Mua đồ gia dụng thông minh:
Trộm cắp khắp nơi, tôi lắp khóa cổng và chuông cửa thông minh để kiểm soát từ xa
(Dân trí) - Lắp các thiết bị an toàn cho cổng nhà là điều mà tôi rất quan tâm bởi nó không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho gia đình, chống xâm nhập mà còn giúp tôi kiểm soát ngôi nhà tốt hơn.
Những bộ khóa điện tử thông minh hiện nay rất thuận tiện trong việc kiểm soát căn nhà. Ngoài dùng chìa để mở khóa như các khóa truyền thống, người dùng còn có thể sử dụng thẻ RFID, mã số, remote và thậm chí có khóa còn có cảm biến vân tay.
Tuy nhiên dựa trên túi tiền để sử dụng, tôi thử tìm đến với một mẫu khóa của hãng PHGLock, mã số EL02W với giá khoảng 2,9 triệu đồng với khả năng cho phép điều khiển từ xa, mở khóa theo lệnh thông qua smartphone, mở bằng chìa RFID (Radio Frequency Identification, nghĩa là việc nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến), mã số và remote...
Về cơ bản, mẫu khóa này không có quá nhiều khác biệt như các thế hệ khóa truyền thống. Nó to hơn một chút và có một bộ hệ thống điều khiển mở khóa. Sản phẩm phù hợp với cửa cổng bằng sắt. Theo quan sát, chất liệu chính để cấu thành sản phẩm này là hợp kim và dày khoảng 2mm. Tôi đánh giá khá cao khả năng hoàn thiện của ổ khóa này từ những đường nối và màu sơn được phủ rất tỉ mỉ, không có những chi tiết thừa gây rối răm mắt.
Bên trong ổ khóa này chưa các thành phần linh điện tử để ra lệnh mở khóa,một bộ mô tơ để đảm nhận việc đóng mở khóa, chúng sử dụng nguồn điện áp 12V. Do đó, khi lắp vào cổng sắt, các đường dây điện được luồng sâu vào bên trong cánh cửa sẽ an toàn với người sử dụng, lỡ may rò điện cũng không bị giật vì nguồn điện áp thấp 12V.
Điều khó khăn nhất để lắp ổ khóa này đó việc lắp đặt so với các thiết bị khóa truyền thống. Nó yêu cầu có nguồn điện và lắp đặt hai bộ phận khóa thật khớp nhau. Thực tế tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của đội ngũ công ty này để đảm bảo sự an toàn khi lắp đặt và giúp chúng sử dụng hiệu quả hơn. Các kỹ thuật viên phải thực hiện khá nhiều công đoạn trong việc lắp đặt, từ việc lựa chọn vị trí, khoan vài lỗ trên cửa sắt để đưa các sợi dây điện vào bên trong, dùng dây nhựa trong để bảo vệ sợi dây điện và đấu nối các nguồn điện bên trong ổ khóa. Công đoạn này diễn ra khoảng hơn 30 phút. Nếu như người dùng không có kỹ năng trong việc lắp đặt, khoan sắt và đấu nối các dây điện thì nên để công việc này cho các kỹ thuật viên, đảm bảo sự an toàn. Chi phí thực hiện lắp một ổ khóa rơi vào khoảng 300 ngàn đồng.
Tôi lắp thêm một chiếc chuông cửa bên cạnh ổ khóa này để chúng trở nên hiệu quả hơn trong việc giám sát cũng như bảo vệ cho ngôi nhà.
Mẫu chuông cửa màn hình PHGLock IC102W này khi kết hợp với khóa điện tử phía trên sẽ giúp nó phát huy rất tốt việc quan sát và mở khóa. Bạn có thể tưởng tượng khi có người dùng đến, họ bấm vào chuông cửa, nó sẽ thực hiện hai chức năng, thông báo đến một chuông báo đặt ở trong nhà để cảnh báo. Đồng thời nó sẽ thực hiện một lệch gọi đến thiết bị di động của chủ ngôi nhà thông qua kết nối mạng internet. Chủ nhân ngôi nhà sẽ có thể quan sát ai bấm chuông, trò chuyện trực tiếp thông qua chuông cửa và thực hiện lệnh để mở khóa cửa ngay trên ứng dụng đàm thoại này. Đây thực sự là một tính năng thú vị, giúp người dùng có thể biết những người đã đến ngôi nhà của mình mà không nhất thiết phải chạy xuống để mở cửa.
Lắp chuông cửa để điều khiển ổ khóa
Đặc biệt hơn, điều tôi thấy nó thuận tiện nhất mà trước giờ tôi chưa có biện pháp xử lý hiệu quả là khi đi vắng, những người khác đến nhà tìm tôi như người thu tiền điện, thu tiền nước để xem chỉ số rồi thanh toán. Trước đây họ phải dùng biện pháp là nhắn tin, nếu là người mới thì ghi tờ giấy thả vào cổng... thì giờ đây họ bấm chuông và tôi có thể trò chuyện ngay với họ từ xa và hẹn lại thời gian để họ đến ghi chỉ số điện nước... Hoặc đối với những người thu tiền điện, nước thân quen, tôi có thể ra lệnh mở khóa cổng để họ vào ghi chỉ số điện, nước ở ngay sau cánh cổng nhà. Sau đó họ có thể đóng khóa lại cho tôi với thao tác đóng thì nam châm sẽ đảm nhận nhiệm vụ ra lệnh đóng khóa lại cho ổ khóa.
Về thông số, mẫu chuông này bao gồm một camera có đèn LED hồng ngoại để xem hình ảnh ban đêm, một micro đàm thoại và một chuông bấm. Chuông cửa này hỗ trợ kết nối Wifi để thông báo đến người dùng thông qua một ứng dụng được sử dụng trên nền tảng Android và iOS.
Mẫu chuông này có đầu điện vào 12V và một đầu dây điện kết nối trực tiếp với ổ khóa điện tử để ra lệnh từ xa.
Ngoài việc đàm thoại từ xa, ra lệnh mở khóa thông qua chuông cửa này thì nó cũng có một số tính năng cũng không kém phần thú vị. Người dùng còn có thể chủ động xem hình ảnh, quay lại video, chụp ảnh và có thêm tính năng báo phát hiện chuyển động, người dùng có thể quan sát ngay phía trước ngôi nhà những sự bất ổn.
Tạm kết
Nhìn chung đây là một hệ thống khóa cửa khá thú vị và thực sự an toàn cho gia đình. Nếu có điều kiện người dùng nên lắp đặt những thiết bị này để bảo vệ ngôi nhà cũng như kiểm soát những sự bất thường trước ngôi nhà của bạn. Thị trường hiện có nhiều mức giá, từ 3 đến 30 triệu đồng và tùy vào túi tiền để lựa chọn cho phù hợp. Với tôi, bộ trọn gói tôi làm rơi vào khoảng 6,5 triệu đồng, không quá đắt đỏ nhưng mang lại cho tôi và gia đình sự an tâm.
Gia Hưng
Clip: Nguyễn Quang - Như Quỳnh