1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Triển khai 4G: Ai sẽ hưởng lợi?

(Dân trí) - Khảo sát của công ty GfK cho thấy, người tiêu dùng Việt còn xa lạ với 4G. Phía nhà các mạng nội địa cũng chưa muốn triển khai công nghệ mới, trong khi cơ quan chủ quản khẳng định, 4G sẽ đem lại lợi ích cho cả xã hội.

Một lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) chia sẻ thẳng thắn rằng, đầu tư cho 4G thực ra không đòi hỏi quá nhiều kinh phí, nhưng Tập đoàn này chưa muốn triển rầm rộ ngay, vì sức chi của người dân chưa đủ lớn và thị trường 3G vẫn đang được khai thác tốt.

Không chỉ VNPT, nhà mạng quân đội Viettel cũng tiếp tục cân nhắc, có triển khai 4G trên diện rộng tại Việt Nam hay không.

Khảo sát mới đây nhất do Công ty nghiên cứu thị trường Công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam thực hiện công bố: Nhìn chung, dịch vụ 4G có vẻ như còn khá mới mẻ với người tiêu dùng, chỉ khoảng 21% người dùng 3G được khảo sát có biết về dịch vụ này.

Đối với những người có biết dịch vụ 4G, thì đa số đều cho rằng dịch vụ này có tốc độ kết nối cao hơn. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ sử dụng nếu người khác sử dụng thử trước (59%).

Tuy nhiên, từ góc độ của một chuyên gia, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam cho rằng, chuẩn bị cho 4G như xây thêm một đường cao tốc mới. Nếu nhà mạng không xây cầu thì mọi người vẫn đi theo đường cũ. Nhưng một khi đã xuất hiện hệ thống đường cao tốc thì sẽ có những ứng dụng ra đời để tận dụng hạ tầng đó. Chẳng hạn khách hàng muốn download phim chuẩn HD về smartphone mà chỉ mất vài phút thì chỉ có 4G mới tải được. Từ 4G cũng sẽ mở ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới, những nguồn thu mới cho nhà mạng.

Khả năng giá cước 4G sẽ rẻ hơn 3G. (Ảnh minh họa)
Khả năng giá cước 4G sẽ rẻ hơn 3G. (Ảnh minh họa)

Ông Nam lý giải thêm, 4G cũng giống như hệ thống đường cao tốc, được xây dựng ở một số tuyến đường đặc biệt, phục vụ khách có nhu cầu cao. Một khi chạy ở đường rộng có thể phải chấp nhận trả phí cao hơn. Còn những người không có nhu cầu thì cứ tiếp tục đi theo tuyến đường cũ và sẽ không phải trả thêm phí.

Do đó, kể cả khi Việt Nam có 4G thì 3G sẽ tồn tại song song trong một thời gian rất dài nữa, giống như 2G vẫn tồn tại cho dù 3G đã hoạt động nhiều năm nay.

Trước lo ngại việc triển khai công nghệ 4G có thể gây bất lợi cho quá trình khai thác 3G của các nhà mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng nhắc lại, chính công nghệ 3G đã góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ ngành Viễn thông Việt Nam trong 5 năm gần đây. Cụ thể, từ 2009 đến 2014, Việt Nam đã có gần 29 triệu thuê bao và tốc độ tăng trưởng về con số này vẫn ở mức cao, qua đó đưa 3G trở thành một trong những dịch vụ mang lại doanh thu lớn cho nhà mạng . Đặc biệt, khi triển khai 4G, nhà mạng vẫn hoàn toàn có thể sử dụng song song công nghệ 2G, 3G và 4G dựa trên đánh giá thực tế của từng khu vực về nhu cầu thực tế của người dùng và hỗ trợ cho nhau.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, nếu tăng được 10% thuê bao di động thì sẽ góp phần tăng được 1% GDP và nếu tăng được 10% thuê bao Internet băng rộng (4G) thì sẽ tăng được 1,5% GDP. Bên cạnh đó, theo tính toán của các chuyên gia, việc đưa vào sử dụng rộng rãi các băng tần di động không chỉ giúp nhà mạng giảm chi phí và đạt được lợi nhuận cao mà người sử dụng cũng sẽ được hưởng lợi bởi nhiều khả năng chi phí cho 4G sẽ thấp hơn 3G.

Báo cáo tại một Hội nghị về phát triển 4G vừa được tổ chức tại Hà Nội cũng cho biết, nghiên cứu trên thế giới gần đây về tác động của công nghệ di động lên kinh tế toàn cầu cho thấy, tốc độ, giá thành và những tính năng mới của công nghệ 4G đã và đang thay đổi mạnh mẽ đến cuộc sống, làm lợi cho người dùng và DN. Chẳng hạn, tốc độ truyền dữ liệu của 4G là vượt trội, tăng gấp 12.000 lần so với 2G. Những tính năng mới của công nghệ 4G có thể giúp các nhà mạng triển khai nhiều dịch vụ mới trực tiếp từ máy đến máy một cách thuận lợi, dễ dàng hoặc giá thành của công nghệ 4G giảm đến 99 lần chi phí truyền tải dữ liệu…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ban hành Thông tư cho phép triển khai công nghệ 4G ở băng tần 1.800 MHz mà hiện nay các nhà mạng đang sử dụng cho mạng 2G. Theo lộ trình, bắt đầu 2016 sẽ chính thức cấp phép cho triển khai 4G tại Việt Nam, trước mắt có thể thí điểm trước tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, nơi người dân có nhu cầu sử dụng lớn.

Phạm Thanh