Trí tuệ nhân tạo trả lời sai câu hỏi toán hết sức đơn giản

T.Thủy

(Dân trí) - 9,9 và 9,11 - số nào lớn hơn? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể trả lời, nhưng các phần mềm trí tuệ nhân tạo được đánh giá là thông minh hàng đầu hiện nay lại đưa ra đáp án sai.

Kể từ thời điểm ChatGPT tạo nên một "cơn sốt" trên toàn cầu, hàng loạt các chatbot (phần mềm chat tự động) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) được ra mắt để phục vụ người dùng.

Các chatbot này được đào tạo dựa trên một lượng dữ liệu cực lớn, bao gồm cả những dữ liệu thu thập trên internet, để giúp đưa ra lời giải đáp cho người dùng về nhiều vấn đề khác nhau.

Các chatbot AI có thể trả lời cho người dùng các khái niệm cực kỳ khó hiểu như "máy tính lượng tử là gì?", "Thuyết tương đối là gì?" hay giúp viết các đoạn mã lập trình theo yêu cầu…

Tuy nhiên, đôi khi các chatbot AI lại đưa ra những câu trả lời ngờ nghệch và đáp án sai cho những vấn đề tưởng chừng như bình thường và hết sức đơn giản.

Theo đó, nhiều cư dân mạng tại Trung Quốc đã phát hiện ra các chatbot AI do quốc gia này phát triển đã trả lời sai một câu hỏi hết sức đơn giản: "9,9 và 9,11 - số nào lớn hơn?".

Trí tuệ nhân tạo trả lời sai câu hỏi toán hết sức đơn giản - 1

Các chatbot AI rất thông minh, nhưng lại có thể trả lời sai câu hỏi toán học đơn giản (Ảnh minh họa: Getty).

Mọi chuyện bắt đầu tại chương trình thực tế "Singer 2024" được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc. Tại cuộc thi này, nam ca sĩ Trung Quốc Tôn Nam đã nhận được 13,8% số phiếu bầu trực tuyến, giúp anh vượt qua đối thủ là ca sĩ người Mỹ Chante Moore, với 13,11% số phiếu bầu.

Sau khi cuộc thi kết thúc, một số cư dân mạng đã cho rằng ban tổ chức của cuộc thi đã có sai lầm. Theo họ con số 13,11% lớn hơn 13,8%, do vậy Chante Moore mới là người chiến thắng.

Nhiều cư dân mạng còn nhờ đến sự giúp đỡ của các chatbot AI nổi tiếng tại Trung Quốc để so sánh 2 con số 13,11 và 13,8. Trong đó, chatbot Kimi của hãng công nghệ Moonshot AI và Baixiaoying của hãng công nghệ Baichuan đều đưa ra kết quả sai, khi cho rằng 13,11 lớn hơn 13,8.

Một số cư dân mạng đã tìm cách xác nhận lại bằng cách hỏi các chatbot AI này rằng "9,9 và 9,11 - số nào lớn hơn?" và các chatbot này đã đưa ra câu trả lời rằng "9,11 là số lớn hơn", mặc dù trên thực tế 9,9 mới là đáp án đúng.

Tuy nhiên, một số chatbot AI khác của Trung Quốc như Qwen của Alibaba hay Ernie Bot của Baidu đã đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi so sánh số kể trên.

Chatbot AI thông minh nhất thế giới cũng trả lời sai câu hỏi so sánh số thập phân

Không chỉ các chatbot AI của Trung Quốc, phóng viên Dân trí cũng đã thử đặt câu hỏi "so sánh giữa số 9,9 và 9,11" đối với các chatbot AI được sử dụng phổ biến nhất, đó là Gemini của Google, ChatGPT của OpenAI và ClaudeAI của Anthropic.

ChatGPT và Gemini đều đưa ra câu trả lời chính xác, với đáp án "9,9 lớn hơn 9,11". Trong khi ChatGPT đưa ra lời giải đáp khá ngắn gọn, Gemini lại đưa ra lời giải đáp dài dòng và phức tạp.

Trí tuệ nhân tạo trả lời sai câu hỏi toán hết sức đơn giản - 2

Gemini đưa ra đáp án đúng, nhưng lời giải khá phức tạp (Ảnh chụp màn hình).

Một điều bất ngờ đó là ClaudeAI, chatbot AI được đánh giá thông minh nhất hiện nay, lại đưa ra đáp án sai, khi cho rằng "9,11 lớn hơn 9,9", bất chấp việc chatbot này đưa ra lời giải đáp nghe rất thuyết phục.

Trí tuệ nhân tạo trả lời sai câu hỏi toán hết sức đơn giản - 3

ClaudeAI - công cụ chatbot được đánh giá là thông minh nhất hiện nay - đưa đáp án sai (Ảnh chụp màn hình).

"Các chatbot AI rất kém về toán, điều này là phổ biến", Giáo sư Ngô Nghĩa Toàn, nhà nghiên cứu khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, Trung Quốc, cho biết.

Theo giáo sư Ngô, các chatbot AI không có sẵn khả năng tư duy và tính toán, mà chỉ có thể dự đoán câu trả lời dựa trên dữ liệu được đào tạo. Ông cho rằng các chatbot AI trả lời đúng các câu hỏi kiểm tra toán có thể là do "ô nhiễm dữ liệu", nghĩa là chatbot AI ghi nhớ câu trả lời dựa vào những câu hỏi tương tự đã có trong dữ liệu đào tạo của nó.

"Thế giới AI đã được mã hóa, các con số, dấu chấm câu, khoảng trắng… đều được xử lý giống nhau. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào về câu hỏi cũng đều ảnh hưởng đáng kể đến kết quả", giáo sư Ngô cho biết thêm.

Câu chuyện kể trên cho thấy rằng các chatbot AI không hoàn toàn "thần thánh" và quá thông minh như nhiều người vẫn tưởng.

Không phải lúc nào các chatbot AI cũng cung cấp thông tin và câu trả lời chính xác cho người dùng. Do vậy, mọi người cần biết cách khai thác các chatbot AI, chọn lọc thông tin do những công cụ này cung cấp để sử dụng một cách hợp lý, thay vì tin tưởng hoàn toàn những câu trả lời và thông tin do chúng cung cấp.

Theo SCMP/YN