Trang thương mại điện tử DECA bất ngờ đóng cửa
(Dân trí) - Bất ngờ vào 12h trưa nay (31/12), trang thương mại điện tử Deca đã thông báo ngừng hoạt động kinh doanh sau hơn 1 năm ra mắt.
Khi truy cập vào trang Deca.vn, người dùng sẽ nhận được một thông báo ngưng hoạt động thay vì là các mặt hàng kinh doanh được trưng bày như trước đây.
Trên Facebook của một nhà đồng sáng lập Công ty cổ phần quảng cáo trực tiếp 24H (đơn vị chủ quản 24h.com.vn và trang thương mại DECA) cho biết rằng: "Một quyết định cực kỳ khó khăn nhưng vẫn phải quyết định, thay mặt cho Deca team tôi xin được phép thông báo DECA.vn sẽ đóng các hoạt động kinh doanh từ 12h trưa nay, 31/12/2015."
Đồng thời, vị này cũng cho biết rằng: "Về tiền bạc, chúng tôi vẫn còn rất dồi dào nhưng quyết định không theo đuổi lĩnh vực này nữa."
"Mọi đơn hàng dang dở sẽ được thực hiện, mọi nghĩa vụ chưa hoàn thành sẽ được hoàn thành 1 cách nghiêm túc và chuyên nghiệp nhất cho mọi đối tác, các nhà cung cấp, người mua hàng cũng như các đơn vị vận chuyển, vận hành." Vị này chia sẻ thêm.
Như vậy, sau khi chính thức ra mắt vào tháng 9/2014, đến nay hơn 1 năm, trang thương mại điện tử Deca.vn đã chính thức rút khỏi thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây thực sự là một thông tin không vui cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong cuối năm 2015.
Trong những buổi toạ đàm về thương mại điện tử tại Việt Nam, nhiều giám đốc sàn TMĐT đều cho biết, tiềm năng của thị trường rất lớn và dự đoán sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong năm 2016. Đặc biệt, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam chiếm đến 69% tổng dân số. Đây là những đối tượng có thể tiếp cận với công nghệ nhanh chóng và dễ dàng. Hơn hết, tốc độ phủ smartphone ngày càng nhanh, thúc đẩy cho việc mua sắm trên di động ngày càng nhiều hơn, chấp cánh phát triển cho thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm sau.
Tuy nhiên, tiềm năng được cho là rất lớn nhưng thói quen và hành vi mua sắm của người dùng Việt rất khác. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng, người Việt vẫn chưa thật sự có niềm tin vào việc mua hàng qua mạng. Họ sợ hàng mua phải bị đánh tráo hàng, hàng giả được bán như hàng thật, hàng nhái, khuyến mãi ảo... Đây cũng là những lý do chính làm cho tốc độ phát triển TMĐT tại Việt Nam chậm đi.
Phan Tuấn