TPHCM thí điểm kết nối các hệ thống camera giám sát, nhận diện khuôn mặt

(Dân trí) - Trong giai đoạn 1 của đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TPHCM đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu của 1000 camera, trong đó có 50 camera có khả năng nhận diện khuôn mặt, phương tiện...

TPHCM thí điểm kết nối các hệ thống camera giám sát, nhận diện khuôn mặt - 1

Trình diễn các trung tâm thuộc Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM), ảnh: HCMCPV

Tại hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố - Dương Anh Đức cho biết, trong giai đoạn 1, thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải TP, UBND các quận, huyện (Quận 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp), với hơn 1.000 camera, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: Nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…

Về xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, lãnh đạo sở cũng cho biết, đến nay, Kho dữ liệu dùng chung của TP, giai đoạn 1 đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp (DN), đầu tư nước ngoài, cơ sở dữ liệu đất đai… Thành phố đã triển khai ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác Kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành thành phố.

Ông Đức cũng chi biết, hiện tại thành phố đã triển khai thử nghiệm cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền bản đồ số (GIS) được xây dựng với vai trò một nền tảng tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn TP gồm: Bưu chính, viễn thông, điện lực, cấp nước…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TPHCM sớm cung cấp các địa chỉ của các Trung tâm cấp thành phố và các sở, ngành cung cấp địa chỉ các dữ liệu để người dân khai thác. Đồng thời, đối với cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, UBND thành phố cần rà soát và sớm đưa vào danh mục những cơ sở dữ liệu phải cập nhật từ đây cho đến tháng 10/2019 như: Dữ liệu về các kết luận của Thanh tra thành phố từ năm 2016 đến nay; danh mục các dự án đầu tư kể cả trong nước và ngoài nước đang hoạt động, cũng như danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố; cơ sở dữ liệu các trường học từ cấp mầm non đến đại học, trường nghề; cơ sở dữ liệu y tế; cơ sở dữ liệu về đất đai, địa chính; cơ sở dịch vụ của thành phố. 

Đối với Trung tâm điều hành chỉ huy ĐTTM cần lên lộ trình tích hợp camera trên địa bàn thành phố. Bí thư Nhân cũng đề nghị cần xác định vài trăm địa điểm thành phố có thể giám sát ngay; có phương án tích hợp vào các camera chuyên ngành.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tham mưu cho Ban Điều hành đề án tổ chức duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị theo từng năm và giai đoạn 2020 - 2025; từng đơn vị phải ký cam kết thời gian hoàn thành và phân công cụ thể người thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.

Cùng với đó, khẩn trương thành lập Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trước mắt, hoàn chỉnh ngay các cơ sở dữ liệu chủ yếu về kinh tế - xã hội để phân tích, dự báo và mô phỏng kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2019 và các giai đoạn tiếp theo.

Gia Linh