TPHCM mới chỉ có 29/124 thiết bị có chứa phóng xạ được lắp định vị

(Dân trí) - TPHCM quản lý 124 thiết bị có chứa phóng xạ thường xuyên di chuyển. Mặc dù hơn 200 hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ đã sẵn sàng để lắp ráp nhưng cho đến nay TPHCM chỉ mới lắp đặt được 29 thiết bị.

Lắp đặt thiết bị định vị nguồn chứa phóng xạ tại Vũng Tàu
Lắp đặt thiết bị định vị nguồn chứa phóng xạ tại Vũng Tàu

Vào tháng 4/2015, TPHCM là địa phương tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ tại Công ty Apave (tại TP Vũng Tàu). Đây là hệ thống giám sát đầu tiên được lắp đặt trên thiết bị chứa nguồn phóng xạ tại Việt Nam.

Đề án này được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở KH&CN TPHCM và Trung  tâm Nghiên Cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) là đơn vị triển khai.

Theo như chia sẻ từ đại diện của ICDREC trong tháng 4/2015, hiện nay tại TPHCM có 124 thiết bị chứa phóng xạ thường xuyên được di chuyển trong quá trình sử dụng, nằm trong sự quản lý của TPHCM. Đến tháng 5/2015, đơn vị này sẽ hoàn tất 124 bộ để lắp đặt cho 124 thiết bị chứa phóng xạ trong địa bàn TPHCM.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị này chỉ mới lắp đặt được 29 bộ trong tổng 124 bộ sẽ được lắp đặt, hoàn thành chỉ 1/4 kế hoạch.

Lý do cho việc lắp đặt chỉ được 29 bộ, đại diện đơn vị này cho biết: "Việc lắp đặt hệ thống hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ không tốn quá nhiều thời gian mà có thể nói là rất nhanh. Tuy nhiên, khó khăn không phải ở việc lắp đặt mà nằm ở chỗ các thiết bị phóng xạ không được tập trung về một chỗ. Cụ thể hơn, các cơ sở đăng kí kinh doanh tại TPHCM có sở hữu thiết bị chứa nguồn phóng xạ được thành phố quản lý nhưng thiết bị này được phân tán đi khắp các tỉnh thành để đáp ứng công việc của từng công ty. Đa phần các thiết bị chứa nguồn phóng xạ do thành phố quản lý hiện đang ở các tỉnh xa, có công trình nằm tận Quảng Bình, Ninh Bình nên việc lắp đặt rất khó khăn, tốn kém nhiều chi phí."

Với việc lắp đặt hệ thống định vị thiết bị chứa nguồn phóng xạ chậm trễ trên sẽ gây nên nhiều mối nguy hiểm, ảnh hưởng đến an sinh của xã hội.

Minh chứng gần đây nhất là vụ việc mất nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn vào tháng 12 vừa qua. Hay trước đó là việc mất nguồn phóng xạ ở TPHCM vào tháng 9/2014, ở Vũng Tàu vào tháng 4/2015 vẫn chưa được tìm thấy, gây ra nhiều mối nguy hại. 

Dựa trên những thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại Việt Nam có gần 4.000 thiết bị chứa phóng xạ đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, hải quan… thì công tác quản lý các thiết bị này trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là sau những sự cố mất nguồn phóng xạ.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 1 năm nay, Ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân đã cho biết: "Trong năm 2016 sẽ phải giải quyết dứt điểm việc thu gom, quản lý tập trung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng."

Đồng thời, theo Thông tư số 23 có quy định về lắp đặt thiết bị giám sát an ninh phóng xạ, dự kiến trong tháng 2-3/2016 gắn sẽ thử nghiệm thiết bị định vị nguồn chứa phóng xạ. Tháng 4 sẽ triển khai trên diện rộng. Các nguồn phóng xạ lớn sẽ được lắp thiết bị giám sát. Còn những nguồn nhỏ thì nâng cao nhận thức trong việc quản lý. 

Như vậy, vào tháng 4 năm nay, những nguồn chứa phóng xạ lớn sẽ phải lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ mới được phép sử dụng. Đây là một tín hiệu tích cực và là điều cần thiết hiện nay, giúp đảm bảo các thiết bị chứa phóng xạ được bảo vệ và kiểm tra nghiêm ngặt, chống mất trộm, gây ảnh hưởng đến an sinh của xã hội.

Quốc Phan