1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ thu gom hết các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo sáng 7/1, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, năm 2016 sẽ tiến hành thu gom hết các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Trong cuộc họp Hội đồng An toàn Hạt nhân quốc gia tháng 12 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị Bộ Tư lệnh Hóa học lưu giữ các nguồn phóng xạ này.

Ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân cho biết, vụ việc mất nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn Cục được thông báo ngày 16/12. Sau khi biết thông tin, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu thành lập đoàn công tác do Cục trưởng đứng đầu lên phối hợp với Bắc Kạn truy tìm nguồn phóng xạ bị mất. Đây là nguồn phóng xạ thuộc nhóm 5, hoạt độ riêng rất thấp nên không nguy hiểm, kể cả tiếp xúc gần. Tuy nhiên Cục đã sử dụng thiết bị mới nhất do Hoa Kỳ viện trợ để tham gia tìm kiếm.

Cũng theo ông Tấn, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội có 35 nguồn phóng xạ cần quản lý, trong đó có 17 nguồn phóng xạ của các nhà máy xi măng lò đứng đã ngừng hoạt động tương tự như ở Bắc Kạn. Vấn đề khó trong quản lý hiện nay là chưa có kho lưu trữ nên việc thu gom quản lý tập trung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng chưa thực hiện được.

“Trong năm 2016 sẽ phải giải quyết dứt điểm việc thu gom, quản lý tập trung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Trong buổi họp Hội đồng An toàn Hạt nhân quốc gia tháng 12 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị Bộ Tư lệnh Hóa học lưu giữ các nguồn phóng xạ này. Chúng tôi không muốn lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại các thành phố lớn hay khu tập trung dân cư” – Ông Tấn nhấn mạnh.

 

Các nguồn phóng xạ không còn sử dụng sẽ được thu gom lưu giữ vào kho của Bộ Quốc phòng
Các nguồn phóng xạ không còn sử dụng sẽ được thu gom lưu giữ vào kho của Bộ Quốc phòng

 

Liên quan đến việc gắn chíp cho các thiết bị phóng xạ nguy hiểm, ông Tấn cho hay: Thông tư 23 có quy định về lắp đặt thiết bị giám sát an ninh phóng xạ nhưng quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ là chỉ lắp đặt cho những nguồn phóng xạ lớn, có mức độ nguy hiểm cao. Dự kiến từ 1/4/2016, các nguồn phóng xạ lớn sẽ được lắp thiết bị giám sát. Còn những nguồn nhỏ thì nâng cao nhận thức trong việc quản lý. Trên thực tế thì không nước nào lắp thiết bị giám sát có các thiết bị có nguồn phóng xạ nhỏ.

“Hiện nay cả nước có hơn 4.000 nguồn phóng xạ, trong đó có khoảng 600 nguồn phóng xạ mạnh có thể gây nguy hiểm” – Ông Tấn thông tin.

Chia sẻ thêm về vấn đề thất lạc phóng xạ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bày tỏ: “Sự việc mất nguồn phóng xạ tại nhà máy xi măng Bắc Kạn là vụ mất nguồn phóng xạ thứ tư xảy ra trong thời gian gần đây, cho thấy việc quản lý các nguồn phóng xạ có vấn đề và ngày càng khó khăn vì nguồn phóng xạ được sử dụng trong y tế, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đang ngày càng phổ biến. Chính vì thế cần phải kiểm soát chặt để đảm bảo hiệu quả, không xảy ra rủi ro”.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết thêm, hiện nay trong nước có 3 cơ sở có thể chế tạo được thiết bị giám sát. Dự kiến trong tháng 2-3/2016 gắn sẽ thử nghiệm. Tháng 4 sẽ triển khai trên diện rộng. Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân sẽ có phần mềm quản lí, khi có bất kì tín hiệu nào, mất phóng xạ phải thông báo ngay đến cơ sở, xong đó thông báo cho cơ quan quản lí.

“Dù có gắn thiết bị định vị để giám sát như thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm lớn nhất vẫn là chủ cơ sở. Chúng ta cần phải tăng cường nhận thức trong việc quản lý, lưu giữ nguồn phóng xạ” – Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

(Email: hungns@dantri.com.vn)