1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tỉnh Yên Bái trước cơ hội bứt phá trong chuyển đổi số

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Yên Bái hiện đứng thứ 2 cả nước về số giao dịch khai thác, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ sau TP Hà Nội.

Tỉnh Yên Bái trước cơ hội bứt phá trong chuyển đổi số - 1

Hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực trung du, miền núi phía Bắc" ngày 9/6 bàn về làn sóng chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương khu vực trung du, miền núi phía Bắc (Ảnh: BTC).

Ngày 9/6, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy Chuyển đổi số khu vực trung du, miền núi phía Bắc".

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, cho biết, thời gian qua, nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Từ đó, chuyển đổi số đã bước đầu len lỏi vào từng bản làng, thôn xóm, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng, khu vực nông thôn và thành thị.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đồng quan điểm khi cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu.

Song đây cũng là một việc mới và khó không chỉ đối với riêng Yên Bái mà còn với nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và mục tiêu phục vụ. Yên Bái cũng là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

Tỉnh Yên Bái trước cơ hội bứt phá trong chuyển đổi số - 2

Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

Tỉnh Yên Bái cũng đã bước đầu triển khai ứng dụng công dân số YenBai-S trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 3 tháng triển khai, hệ thống đã ghi nhận trên 196.000 tài khoản; có hơn 18 triệu lượt xem ứng dụng; các dịch vụ, tiện ích trên Yenbai-S đều nhận được sự quan tâm, sử dụng của người dân…

Cùng với đó, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 70%; toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

Đặc biệt, đầu tháng 3/2023, khi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong thực hiện thủ tục hành chính, Yên Bái đứng thứ 2 cả nước về số giao dịch khai thác, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (chỉ sau TP Hà Nội). Nếu tính trên tỷ lệ dân cư thì Yên Bái thậm chí hiện đang đứng đầu cả nước.

Yên Bái hiện đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về số lượng tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart (đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử)...