Tình cảnh "khóc dở, mếu dở" của hàng loạt người Việt bị lừa đảo góp vốn mua tiền ảo
(Dân trí) - Sau cơn sốt tiền ảo từ giữa năm 2017, hàng loạt hội nhóm được lập ra để kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn để mua các loại tiền điện tử mới được phát triển. Tuy nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện "khó dở, mếu dở" của những người cả tin nghe theo lời mời ngọi đầy hấp dẫn của những người tự nhận mình là đang giúp đỡ cùng nhau làm giàu.
Sau một thời gian hoạt động và kêu gọi góp vốn, nhiều dự án kêu gọi góp vốn ICO trước khi phát hành chính thức cho những đồng tiền ảo và hoạt động theo mô hình đa cấp ở Việt Nam đang rơi vào cảnh hỗn loạn. Các fanpage trên mạng xã hội với chủ đề lên án tổ chức lừa đảo (hay còn gọi là "scam") xuất hiện ngày một nhiều, và thậm chí kêu gọi đâm đơn kiện người đứng đầu các tổ chức này trước pháp luật.
Dạo qua mạng xã hội Facebook, có thể thấy rằng các nhóm như Lion Group - iFan - Pincoin (hội lừa đảo); chiến dịch đưa Lion - iFan - Pincoin đền tội trước công lý, Tiêu Diệt iFan... là một vài trong số những hội nhóm mọc lên "như nấm" với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham gia nhằm để "tố giác" những người được cho là đứng đầu gom một số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư và sau đó "bặt vô âm tín".
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian qua, trước cơn sốt của đồng tiền ảo, rất nhiều hội nhóm được lập ra để cùng chia sẻ quan điểm về những dự án ICO dựa trên các đồng tiền kỹ thuật số như BTC hay ETH - nhưng thực chất chỉ lợi dụng tâm lý muốn sinh lãi nhanh của nhà đầu tư để chuộc lợi cho riêng mình.
ICO (viết tắt của “Initial Coin Offering”), về cơ bản là một phương tiện không được kiểm soát bằng cách huy động vốn cho một liên doanh đồng tiền ảo mới. Trong đợt mở bán ICO, nhà đầu tư sẽ dùng tiền của mình để mua các xu tiền ảo tương tự như mua cổ phiếu của một công ty được bán cho các nhà đầu tư trong giao dịch đấu thầu công khai lần đầu (IPO).
Sau đó, các xu tiền ảo sẽ được quy đổi tùy vào số tiền nhà đầu tư bỏ ra mua. Đa số những người tham gia thì đều hy vọng mình đã mua với giá tốt nhất và chờ đợi để bán với mức x5, thậm chí x10. Tuy nhiên khi nhà đầu tư đã rót hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vào những hình thức như thế này, thì sau đó kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi.
Rất nhiều người trên các hội, nhóm chia sẻ từng đầu tư vào iFan - vốn được quảng cáo là một dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo Luật pháp Singapore, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng sau cùng chỉ thu về "một đống coin rác" với giá trị cực thấp, hay thậm chí không lấy lại được tiền.
Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, nhiều người phát hoảng khi thấy nhóm không phải là dự án đến từ Singapore, mà chỉ là một website được dựng lên bởi nhóm mang tên Lion Team.
Chiến dịch thu hút nhà đầu tư cho các ICO cũng được những người "đầu sỏ" thực hiện rất công phu và bài bản với hàng loạt người nổi tiếng được sử dụng. Tuy nhiên, những người nổi tiếng được chọn để "quảng bá" cho hoạt động của nhóm trong đợt ICO, như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Lệ Quyên, Sơn Tùng M-TP,... cũng bị nghi là mạo danh để chiếm lòng tin của nhà đầu tư. Đích thân Đàm Vĩnh Hưng từng cho biết trong một thông báo trên fanpage rằng anh bị nhóm coin đa cấp MLM (hay iFan) mượn danh để quảng cáo, thu hút người vào hệ thống.
Trong một mẫu đơn tố cáo lừa đảo được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội cho biết một người tên là Lê Ngọc Tuấn, tự nhận là Giám đốc đào tạo & phát triển marketing online iFan quốc tế, và đội ngũ sáng lập iFan hứa hẹn với nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất đầu tư ít nhất là 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng.
Tuy nhiên sau khi hứa hẹn với các nhà đầu tư và thu về số tiền rất lớn, Pincoin, iFan tuyên bố hủy bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn với các nhà đầu tư và số tiền nhà đầu tư tham gia vào hệ thống iFan sẽ được trả lại nhà đầu tư bằng các đồng tiền số với giá quy định do iFan tự công bố.
Tài khoản Nguyễn Hoằng cho biết: "iFan vẫn để trong web chưa chuyển về ví vì không cập nhật thông tin. Giờ vào thấy thông báo bảo trì, và đọc mail thấy thông báo sau bảo trì mất hay còn không còn chịu trách nhiệm."
"Sau khi bán tiền ảo để thu tiền thật, nhóm đối tượng đã cho dừng chương trình trả lãi suất khiến nhiều người lao đao lâm vào con đường khánh kiệt gây bức xúc cho xã hội", một nhóm công khai trên Facebook lên tiếng tố cáo.
Trong một bài viết được đăng tải trên fanpage có tên "Tiêu diệt Tuấn cam", nhóm này cho biết đã thu thập được hơn 300 đơn từ khắp nơi gửi về, những đơn này được tập hợp và gửi về tòa soạn các báo, và đến nay đã có kết quả.
Bên cạnh đó, còn nhiều cái tên khác như Pincoin, Davor, Bitkingdom, Ucoincash,... cũng là những hội nhóm được cho là lừa đảo, lợi dụng sự cả tin của người dân để trục lợi hàng trăm triệu USD.
Nhiều hoạt động giữa các thành viên đã được diễn ra, bao gồm thống nhất mẫu đơn tố cáo hành vi lừa đảo, tập hợp đơn kiện từ các nạn nhân,..
Trước iFan, Pincoin,... giới đầu tư từng chứng kiến sự sụp đổ của Bitconnect - được biết tới như vụ lừa đảo lớn nhất trong thị trường tiền ảo khiến hàng trăm ngàn chủ tài khoản "mất trắng", trong đó có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Bitconnect bị Ủy ban chứng khoán Mỹ điều tra và phát hiện thấy tổ chức này đã phạm tội gian lận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các chương trình cho vay và lấy lãi.
Nguyễn Nguyễn