TikTok "phủi" trách nhiệm sau cái chết của thiếu niên 13 tuổi
(Dân trí) - Một thiếu niên 13 tuổi người Mỹ đã thiệt mạng sau khi làm theo thử thách nguy hiểm được lan truyền trên TikTok. Tuy nhiên, TikTok khẳng định họ không hay biết thử thách này trên nền tảng của mình.
Jacob Stevens, 13 tuổi, sống tại thành phố Greenfield (bang Ohio, Mỹ), đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ xác định cậu bé bị chết não và phải duy trì sự sống nhờ các hệ thống máy móc.
Mới đây, sau hơn một tuần bị chết não và không còn cơ hội phục hồi, gia đình của Jacob đã phải quyết định ngừng các hệ thống máy móc hỗ trợ sự sống, chấp nhận để cậu bé qua đời.
Justin Stevens, cha của Jacob, cho biết con trai của mình đã thiệt mạng sau khi tham gia một thử thách nguy hiểm và điên rồ trên TikTok, có tên gọi "thử thách Benadryl". Những người tham gia thử thách này sẽ uống từ 10 đến 15 viên thuốc Benadryl, nhiều gấp 6 lần liều lượng cho phép. Benadryl là loại thuốc không kê đơn, có tác dụng điều trị các triệu chứng dị ứng.
"Chúng tôi đã cố gắng kéo Jacob tránh xa khỏi TikTok. Chúng tôi không muốn thằng bé sử dụng TikTok, có nhiều điều tốt nhưng cũng có rất nhiều điều xấu ở trên đó", Dianna Stevens, bà nội của cậu bé Jacob, cho biết.
Gia đình của Jacob cho biết cậu bé rất yêu thích đạp xe, chơi thể thao và các hoạt động ngoài trời khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây cậu bé đã bắt đầu thích sử dụng mạng xã hội và đắm chìm vào những đoạn video trên TikTok.
"Thử thách Benadryl" được lan truyền trên TikTok, mà những người tham gia khẳng định sẽ mang đến ảo giác sau khi uống 10 đến 15 viên thuốc Benadryl.
Bà Dianna cho biết khi Jacob tham gia thử thách, những người bạn của cậu bé đã đứng cạnh để sẵn sàng quay video phản ứng của Jacob để đăng lên TikTok, tuy nhiên, khi thấy Jacob lên cơn co giật sau khi uống thuốc, những cậu bé này đã hoảng sợ và bỏ chạy, để mặc Jacob một mình.
Khi gia đình phát hiện Jacob và mang đến bệnh viện, tình trạng đã trở nặng và các bác sĩ không thể cứu kịp cậu bé. Các bác sĩ tại bệnh viện nhi Ohio, nơi đã điều trị cho Jacob, nói với gia đình rằng họ hầu như chưa bao giờ thấy trẻ em dùng quá liều Benadryl, mà thường uống quá liều những loại thuốc khác. Điều này cho thấy Jacob đã uống thuốc quá liều một cách có chủ đích, thay vì vô tình.
Gia đình của Jacob hy vọng rằng trường hợp xảy ra với cậu bé là một lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh khác có con ở độ tuổi vị thành niên, để tránh những sự việc đau lòng tương tự.
"Có một điều tôi muốn gửi đến các bậc cha mẹ và ông bà ngoài kia, nếu nhận thấy có những sự thay đổi nhỏ với những đứa trẻ và chúng đang dần tránh xa bạn… hãy thận trọng và quan tâm đến trẻ nhiều hơn", Justin Stevens chia sẻ. "Hãy để mắt đến những gì bọn trẻ làm trên điện thoại, nói chuyện với chúng về các hoàn cảnh. Tôi muốn mọi người biết đến con trai của tôi".
TikTok "phủi" trách nhiệm trước cái chết của Jacob Stevens
Sau cái chết của Jacob Stevens, đại diện TikTok tại Mỹ đã gửi lời chia buồn đến gia đình Stevens, tuy nhiên, người này cũng khẳng định rằng họ chưa bao giờ biết về "thử thách Benadryl" được lan truyền trên TikTok.
"Tại TikTok, chúng tôi ngăn chặn và gỡ bỏ những nội dung lan truyền các hành vi nguy hiểm. Sự an toàn của cộng đồng là ưu tiên của chúng tôi", đại diện của TikTok cho biết. "Chúng tôi chưa từng nhìn thấy dạng nội dung thử thách này trên nền tảng của mình. Đội ngũ gồm 40.000 nhân viên sẽ làm việc tích cực để xóa bỏ những nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và chúng tôi khuyến khích người dùng báo cáo bất cứ nội dung hoặc tài khoản nào họ cảm thấy lo ngại".
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng TikTok chỉ đang tìm cách "phủi" trách nhiệm sau cái chết của Jacob Stevens.
Theo luật sư Matthew Bergman - người sáng lập Trung tâm Luật Nạn nhân trên Mạng xã hội (SMVLC), đại diện cho hơn 1.700 bậc phụ huynh có con bị thương, thiệt mạng do nghiện hoặc lạm dụng mạng xã hội - khẳng định rằng "thử thách Benadryl" đã được lan truyền rộng rãi trên TikTok và có rất nhiều người tham gia. Trang web của SMVLC còn liệt kê "thử thách Benadryl" là một trong những thử thách nguy hiểm trên TikTok mà các bậc phụ huynh cần lưu ý.
"Tôi có một số khách hàng đã tham gia vào thử thách này. May mắn là họ không bị thiệt mạng, nhưng nhiều người trong đó gặp các biến chứng về sức khỏe", Matthew Bergman cho biết. "Các thử thách là một phần nội dung quan trọng của TikTok. Mạng xã hội này đang tích cực quảng bá các thử thách để gây nghiện cho giới trẻ và khuyến khích chúng tích cực tham gia. Các thử thách đa dạng nội dung, bao gồm cả những nội dung ngớ ngẩn đến chết người".
Bên cạnh SMVLC, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã từng đưa ra lời cảnh báo về "thử thách Benadryl" vào năm 2020. Do vậy, việc TikTok tuyên bố không hề hay biết gì về thử thách này là điều khó có thể chấp nhận được.
Matthew Bergman cho biết những đứa trẻ tham gia các thử thách trên TikTok vì tò mò, không muốn bỏ lỡ các trào lưu, như một cách để được xã hội chấp nhận và được bạn bè khen ngợi.
Trên thực tế "thử thách Benadryl" không phải là trào lưu nguy hiểm chết người duy nhất lan truyền trên TikTok và Jacob Stevens không phải là trường hợp tử vong đầu tiên do thực hiện theo các thử thách nguy hiểm trên TikTok.
Trước đó, thử thách có tên gọi "Blackout" được lan truyền trên TikTok cũng khiến ít nhất 7 thiếu niên thiệt mạng. "Blackout challenge" (Thử thách mất ý thức tạm thời) là thử thách mà những người tham gia sẽ phải sử dụng một sợi dây bất kỳ để tự siết cổ mình (hoặc sử dụng bất kỳ hình thức nào để gây ngạt thở) cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời. Những người tham gia sẽ quay video quá trình thực hiện thử thách rồi chia sẻ lên mạng xã hội TikTok.
Năm 2020, thử thách có tên gọi "Skullbreaker" (Thử thách "Vỡ hộp sọ") cũng đã được lan truyền nhanh chóng và "gây sốt" trên mạng xã hội TikTok. Những ai tham gia thử thách này sẽ đứng thành nhóm 3 người thẳng hàng theo chiều ngang, 2 người đứng ở 2 bên sẽ lừa người đứng giữa nhảy lên, sau đó sẽ đá mạnh vào hai chân của người đứng giữa khi họ vẫn đang ở trên không khiến người này bị ngã ngửa ra sau. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp bị thương khi thực hiện thử thách "Skullbreaker". Thậm chí, có ít nhất một trường hợp đã tử vong vì trò đùa này; đó là nữ sinh 16 tuổi người Brazil bị ngã và chấn thương sọ não.
Những thử thách kể trên chỉ là số ít trong các thử thách nguy hiểm được lan truyền trên TikTok. Sở dĩ mạng xã hội TikTok thường là nơi bắt nguồn và lan truyền những trò đùa nguy hiểm vì đây là mạng xã hội nhắm đến giới trẻ, là lứa tuổi thường thích thực hiện những trò đùa mạo hiểm mà không nghĩ tới hậu quả.
Theo YN/Gizmodo