1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

TikTok hoạt động trở lại tại Mỹ sau 12 giờ bị cấm

Nam Đoàn

(Dân trí) - Sau hơn 12 giờ gián đoạn tại Mỹ, TikTok đã hoạt động trở lại, xuất phát từ cam kết của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm khôi phục ứng dụng trước lễ nhậm chức.

TikTok hoạt động trở lại tại Mỹ sau 12 giờ bị cấm - 1

Thông báo quay trở lại của TikTok tại Mỹ (Ảnh chụp màn hình).

Một ngày trước lệnh cấm, ông Donald Trump tuyên bố sẽ cân nhắc kỹ sau khi tuyên thệ nhậm chức và có thể đưa ra sắc lệnh hoãn lệnh cấm 90 ngày.

"Tôi sẽ ban hành lệnh hành pháp vào ngày 20/1 để kéo dài thời gian trước khi các lệnh cấm của luật có hiệu lực, để chúng ta có thể đạt được thỏa thuận nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Lệnh cũng sẽ xác nhận rằng sẽ không có trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ công ty nào đã giúp TikTok không chìm trong bóng tối trước lệnh của tôi", ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Theo CNN, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Trump ra tuyên bố trên, TikTok đã hoạt động trở lại bình thường tại Mỹ.

Ứng dụng này ra thông báo có nội dung: "Cảm ơn sự kiên nhẫn và ủng hộ của các bạn. Nhờ nỗ lực của Tổng thống đắc cử Trump, TikTok đã trở lại Mỹ!"

Trước đó, ngày 19/1, người dùng TikTok tại Hoa Kỳ đã nhận được dòng thông báo khi mở ứng dụng với nội dung: "Xin lỗi, TikTok hiện không khả dụng" và nếu cố đăng nhập sẽ tiếp tục nhận hiển thị: "Luật cấm TikTok đã được thực thi ở Hoa Kỳ".

Nguyên nhân xuất phát từ đạo luật do Quốc hội Mỹ ban hành buộc công ty mẹ ByteDance phải bán nền tảng hoặc chấp nhận lệnh cấm.

TikTok hoạt động trở lại tại Mỹ sau 12 giờ bị cấm - 2

TikTok chính thức bị cấm tại Hoa Kỳ từ ngày 19/1 (Ảnh: France 24).

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, việc áp dụng đạo luật được chuyển lại cho Chính phủ Tổng thống Donald Trump, sẽ nhậm chức hôm nay, ngày 20/1.

Trước đó, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối đình chỉ luật vào ngày 18/1 khi 9 thẩm phán cấp cao cho rằng, những lo ngại của Quốc hội về TikTok liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia là có cơ sở.

Về mặt lý thuyết, việc trì hoãn luật nhằm mục đích để các công ty Mỹ mua lại TikTok, song ByteDance vẫn luôn tuyên bố từ chối bán "viên ngọc quý của mình", ngay cả khi có một số nhà đầu tư đã ngỏ lời.

Điển hình như tỷ phú Frank McCourt sẵn sàng đặt 20 tỷ USD lên bàn đàm phán để nắm quyền quản lý TikTok.

Vào thứ Bảy 18/1 vừa qua, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Perplexity AI cũng đã gửi tới ByteDance một đề xuất sáp nhập với TikTok của Mỹ, điều này dự báo sẽ nâng cao giá trị của mạng xã hội này ít nhất 50 tỷ USD.

Với hơn 170 triệu người dùng, TikTok là một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Mỹ. TikTok đã trở thành công cụ giải trí hoặc kiếm tiền của nhiều người dùng tại quốc gia này, đặc biệt là giới trẻ.

Sau khi TikTok bị đóng cửa, nhóm người dùng cảm thấy tiếc nuối nhất chính là những nhà sáng tạo nội dung, những người thường xuyên tạo nội dung và kiếm thu nhập từ nền tảng mạng xã hội này.

Đối với những người dùng phổ thông, việc TikTok bị đóng cửa tại Mỹ cũng khiến họ mất đi một nền tảng để kết nối bạn bè và đặc biệt một công cụ để giải trí, khi các nội dung ngắn trên TikTok thường mang nhiều tính giải trí thu hút giới trẻ.