DNews

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới

Bảo Trung Nam Đoàn

(Dân trí) - Năm 2024, công nghệ 5G được thương mại hóa tại Việt Nam, yếu tố quan trọng giúp người dân hòa nhập với xã hội số, kinh tế số cũng như phát triển Chính phủ điện tử. Việt Nam đang ở thời cơ chín muồi.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới

Sáng 26/12, trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm 20 năm Thành lập Câu lạc Bộ Nhà báo Công Nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club), đã diễn ra chương trình tọa đàm "Thương mại hóa 5G, xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam" với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, chuyên gia trong ngành viễn thông và đại diện các nhà mạng tại Việt Nam.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các nhà mạng nhất trí rằng, công nghệ 5G giúp ích rất lớn trong cuộc sống, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thực hiện Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. 

Lợi ích từ thế giới đến Việt Nam

Công nghệ 5G đã triển khai từ hơn 260 nhà mạng trên thế giới. Tại Việt Nam các doanh nghiệp như Tập đoàn VNPT, Viettel, Mobifone đã thí điểm dịch vụ này từ năm cuối năm 2019 theo chủ trương của Chính phủ.

Mạng 5G được triển khai thử nghiệm ở 55 tỉnh thành phố, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hay trường đại học.

Sau gần 3 năm thử nghiệm, nhà mạng đã có đủ cơ sở đánh giá về chất lượng, mạng lưới hạ tầng và xây dựng chiến lược kinh doanh. Đây là thời điểm chín muồi để xã hội hóa mạng 5G. 

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 2

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Công nghệ Dịch vụ, Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin - Truyền thông (Ảnh: Minh Sơn).

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Công nghệ Dịch vụ, Cục Viễn Thông (Bộ Thông tin Và Truyền thông) khẳng định: "Mạng 5G rất quan trọng, việc xây dựng nhanh chóng hạ tầng cho dịch vụ này sẽ mang tính kết nối công nghệ số, liên thông tất cả các lĩnh vực, người dân được tiếp cận sử dụng hòa nhập với xã hội số, kinh tế số mà Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện". 

Trong buổi tọa đàm, ông Hidetaka Shiraishl, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển 5G, Tập đoàn Công nghệ Huawei chia sẻ những lợi ích từ công nghệ 5G trong cuộc sống và hy vọng Việt Nam sớm trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về dịch vụ này. 

"Những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số toàn cầu dẫn đến phạm vi người tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến chúng ta thay đổi các làm việc, sử dụng phương tiện truyền thông để trao đổi thông tin hay truyền dữ liệu đều yêu cầu một tốc độ nhanh hơn.

Để tạo ra sự thay đổi mô hình chuyển đổi số, dữ liệu là tài nguyên cốt lõi và mạng 5G là yếu tố đóng góp quan trọng trong quá trình này", ông Hidetaka Shiraishl cho biết. 

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 3

Ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển 5G, Tập đoàn Công nghệ Huawei (Ảnh: Minh Sơn).

Trên thế giới, mạng 5G giúp các ngành công nghiệp tích hợp dịch vụ đám mây, truyền thông đã tăng theo cấp số nhân, ngành giao thông vận tải, logistic cũng phát triển nhanh chóng. Điều này đóng góp lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Dẫn chứng về lợi ích từ mạng 5G, ông Hidetaka Shiraishi chia sẻ: "Giá trị từ công nghệ 5G tác động đến kinh tế số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), nâng cao giá trị lĩnh vực sản xuất, khai khoáng, y tế và phát triển thành phố thông minh. 

Cơ sở hạ tầng này tạo ra sự kết nối giữa con người với máy móc, tự động hóa trong sản xuất. Trong năm 2022, 5G giúp thu nhập bình quân đầu người (GDP) khu vực APAC tăng 4,8% và tạo ra 11 triệu việc làm".

Theo ông Shiraishi, công nghệ 5G thành công trong khu vực APAC và nó sẽ thành công trên toàn thế giới. 5G mang lại việc làm mới được, kinh tế tăng trưởng, các loại hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ như giao đồ ăn, thương mại điện tử bằng hình thức bán hàng livestream và dịch vụ xe công nghệ khác.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 4

Công nghệ 5G sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các hệ thống xe tự lái (Ảnh minh họa: Automotive World).

Tại một số quốc gia, thành phố như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đã xác định công nghệ 5G như một chiến lược phát triển.

Họ đưa công nghệ này vào nhiều lĩnh vực như dự báo thời tiết, thiên tai; quản lý giao thông; tự động hóa trong sản xuất như lắp ráp do robot đảm nhiệm; phục vụ tại các cảng biển bằng việc vận chuyển các thùng container, hoàn toàn không cần sự can thiệp từ con người.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 5

Dự báo năm 2030, mạng 5G đem lại doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp GDP của Việt Nam tăng 7,3% vào năm 2050. 

Chính phủ và các nhà mạng sẵn sàng hành động

Hiện Chính phủ hoàn thành việc xây dựng chính sách và các nhà mạng cũng đã chuẩn bị cho việc xã hội hóa công nghệ 5G. 

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử chia sẻ: "Công nghệ 5G được thương mại hóa trên thế giới trong nhiều năm và trở thành xu hướng tất yếu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó, Chính phủ lựa chọn năm 2024 để hành động là rất phù hợp, không còn đi đầu nhưng cũng không quá muộn.

Việc cấp phép băng tần 5G cho các nhà mạng qua hình thức đấu giá, quy định này hoàn toàn phù hợp thể hiện tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh".

Năm 2024 là thời điểm chín muồi để đưa công nghệ 5G đến với mọi người. Một số khu công nghiệp trong nước đã thí điểm mạng 5G trong hoạt động sản xuất, cũng như trên các sản phẩm di động và nhận được sự đánh giá rất hiệu quả. 

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 6

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số vô tuyến.

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số vô tuyến cho biết: "Quy định pháp luật hiện đầy đủ để triển khai việc đấu giá 5G, đầu tiên là 5G băng tần trung. Đây là loại băng tần quan trọng giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho công nghệ 4G, vốn cần nhiều băng thông di động. 

Lý do Việt Nam ưu tiên triển khai công nghệ 5G băng tần trung là theo xu hướng. Thống kê từ Hiệp hội Di động toàn cầu cho thấy, trên thế giới 71% mạng 5G được triển khai sử dụng loại băng tần này. 

"Sau khi Bộ thực hiện đấu giá xong với các doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá nhu cầu thị trường để thực hiện đấu giá những băng tần cao để cấp phép. Mục tiêu của Chính phủ là Việt Nam sớm có được băng tần 5G cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng đến người dân, phát triển hạ tầng số", bà Vũ Thu Hiền thông tin thêm.

Việc cấp phép triển khai băng tần 5G được thực hiện bằng hình thức đấu giá, đảm bảo tính cạnh tranh và sự hài hòa của hạ tầng di động viễn thông.

Đại diện Tập đoàn VNPT, Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: "Việc triển khai công nghệ 5G luôn được VNPT quan tâm hàng đầu, là nội dung trọng yếu trong chiến lược phát triển giai đoạn năm 2030-2035.

Mạng 5G giúp đồng bộ người dùng với các sản phẩm dịch vụ của VNPT và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tại Việt Nam, việc triển khai 5G bắt đầu có hiệu quả. Năm 2020, VNPT thí điểm công nghệ này tại 20 tỉnh thành cả nước, trong các sự kiện quan trọng như lễ hội, du lịch và người dùng đều cảm nhận tốc độ vượt trội mà mạng 5G đem lại.

Hiện VNPT có 18% thuê bao đang sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G và tập đoàn này dự đoán dịch vụ này sẽ tăng trưởng rất mạnh trong những năm tới đây. 

"5G khai mở không gian kinh tế mới giúp gia tăng sản xuất. Trong tương lai, VNPT hướng tới cách tối ưu sử dụng dịch vụ với mục tiêu trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm số", ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.

Bày tỏ về lợi ích của mạng 5G, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám Đốc Trung tâm Di động Viettel Telecom cho biết: "Công nghệ 5G là một biểu tượng mới trong ngành viễn thông, biểu thị kỷ nguyên mới. Nó hứa hẹn mang lại sự cải tiến đáng kể về băng thông, phản hồi và tương tác giữa người dùng, đặc biệt ở khu vực tập trung đông người như các sân bay, bến tàu, lễ hội ca nhạc hay khu công nghiệp.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 7
Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 8

Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp giấy phép triển khai dịch vụ thử nghiệm từ năm 2020. Và chúng tôi cũng như các nhà mạng khác đã có đủ cơ sở đánh giá, chất lượng và xây dựng chiến lược kinh doanh. Viettel Telecom mong muốn Bộ sớm triển khai việc đấu giá để chúng tôi nhanh chóng thực hiện".

Kết quả khảo sát từ hơn 1 triệu người dùng mạng 5G thử nghiệm của Viettel cho thấy, họ đều đánh giá rất cao tốc độ 5G mang lại, như xem những video chất lượng 4K, 5K; bán hàng livestream và mong muốn sớm triển khai 5G trong xã hội để phát triển các dịch vụ liên quan khác. 

Viettel đã có công cuộc chuẩn bị 5G rất sớm. Hiện chúng tôi có thể tự chủ và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ 5G và chỉ đợi giấy phép từ Chính phủ. Chúng tôi tin những sản phẩm này có nhiều ý nghĩa đối với quốc gia, đảm bảo tính bảo mật cao. 

Cơ hội đi kèm thách thức

Trong buổi tọa đàm, đại diện các nhà mạng và chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận về việc thương mại 5G vào năm 2024 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 9

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (Ảnh: Sơn Minh).

Chuyên gia kỳ cựu, Tiến sĩ Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông) thẳng thắn chỉ rõ, khó khăn thách thức khi đưa 5G vào, trước hết là cho các doanh nghiệp.

Theo ông, vấn đề triển khai không phải ở công nghệ mà nằm ở bài toán kinh doanh và quản trị hệ 5G sao cho hiệu quả.

Thứ nhất, là việc phức tạp trong đấu giá băng tần, nhất là trong điều kiện hiện nay. Sâu xa hơn là sự chần chừ của các nhà mạng. Việc đầu tư cho 5G rất lớn. "Chưa biết thị trường sẽ chấp nhận thế nào dù cơ hội chung là rất hay. Các nhà mạng có chần chừ nhất định, chưa quyết tâm thương mại hóa vì lý do đầu tư", ông Trực phân tích.

Là người nhiều năm có kinh nghiệm quản lý ngành viễn thông, ông Trực phân tích, giá cả viễn thông truyền thống đang đi xuống. Bài toán đầu tư không dễ dàng. Không những nguồn đầu tư mà cả cơ chế đầu tư và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp tư nhân đầu tư 2-3 năm lỗ là bình thường cho đến điểm hòa vốn rồi tới lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa dám đầu tư ồ ạt", ông Trực nêu.

Song việc các nhà mạng chuẩn bị kỹ càng, cùng với sự đồng hành của Chính phủ, đại diện doanh nghiệp tin tưởng rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu để đưa công nghệ 5G đến với người dân.

Thương mại hóa 5G: Cao tốc đưa Việt Nam vào kỷ nguyên thông tin mới - 10

"Thách thức cũng rất nhiều, chúng tôi phải giải quyết các bài toán về áp lực đầu tư, cân đối các chỉ số tài chính trong thời gian đầu triển khai. Khi có khách hàng của mình, VNPT sẽ mở rộng không gian thị trường lớn hơn. Hướng tới 1 công ty công nghệ chuyển đổi số toàn diện và cái đích là tiếp cận từng khách hàng, doanh nghiệp. 

VNPT hiện triển khai mạng 2G, 3G 4G và tới đây là 5G. Cơ sở hạ tầng như tài nguyên tần số, thiết bị triển khai trên các cột anten gặp thách thức. Chính sách từ Chính phủ về việc tắt sóng 2G trong năm tới và 3G dự kiến vào năm 2028 sẽ tạo điều kiện tốt để chúng tôi có thêm không gian hạ tầng để triển khai các dịch vụ đi đầu xu hướng như 5G", ông Nguyễn Quốc Khánh bày tỏ. 

Đồng quan điểm với VNPT, một số doanh nghiệp thẳng thắn về câu chuyện xây dựng hạ tầng đầu tư để đưa 5G vào cuộc sống sẽ gặp nhiều thách thức. Hy vọng Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà mạng để việc thương mại hóa 5G vào năm sau đạt được nhiều thành công.