Thương mại điện tử chậm phát triển là do dịch vụ chuyển phát chưa đủ tốt

(Dân trí) - Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất nhạy bén với những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên với hơn 35% dân số sử dụng Internet, thương mại điện tử lại chưa thực sự đạt kỳ vọng đề ra.


Ông Nguyễn Thanh Hưng phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thanh Hưng phát biểu tại hội thảo.

Bất cứ ai từng tham gia hoặc tìm hiểu về thương mại điện tử đều biết rằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ giao hàng là hai yếu tố sống còn, có ảnh hưởng trực tiếp tới phàn hồi của người dùng. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh bán hàng trực tuyến, không chỉ cơ hội mà cả thử thách vô cùng lớn đang là điều mà các doanh nghiệp chuyển phát phải đối mặt.

Chia sẻ tại hội thảo "Từ dịch vụ chuyển phát tới hoàn tất đơn hàng” do Hiệp hội Thương mại điện tử và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) tổ chức ngày 10/11, ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội cho rằng, xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao: Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động bán hàng và cam kết giao hàng. Còn các dịch vụ liên quan như hàng lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại…hoàn toàn có thể thuê ngoài. 

Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới.


Ông Lê Đức Anh phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Đức Anh phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Đức Anh, chuyên viên Cục TMDT và CNTT, nhấn mạnh rằng thương mại điện tử không những là yêu cầu mà còn là công cụ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển phát hàng hóa và bưu kiện nói riêng cũng như hoạt động logistics (chuyển nhận kho vận) nói chung. Không những vậy, thời gian qua dịch vụ chuyển phát đã phát triển mạnh mẽ và bao phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước.

Theo ông, với 35 - 40% dân số sử dụng Internet hàng ngày, mua sắm trực tuyến đáng lẽ đã trở thành một xu thế mạnh mẽ từ vài năm với sự giúp sức của các dịch vụ chuyển phát uy tín, đáng tin cậy. Điều đáng tiếc là các dịch vụ chuyển phát trên thực tế vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển mau lẹ của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Nếu nhìn nhận theo một góc độ khác, dịch vụ chuyển phát còn là trở ngại lớn với thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo với sự góp mặt của các chuyên viên, và nhiều doanh nghiệp nổi tiếng đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, rất nhiều vấn đề đã nhanh chóng được nêu ra, nhưng vẫn chưa có câu trả lời nào thực sự thỏa đáng.


Bài toán thương mại điện tử vẫn đang gặp phải nhiều thử thách tại thị trường Việt (Ảnh minh họa)

Bài toán thương mại điện tử vẫn đang gặp phải nhiều thử thách tại thị trường Việt (Ảnh minh họa)

Có thể hiểu một cách đơn giản, dịch vụ hoàn tất đơn hàng là một chuỗi các dịch vụ sau khi hợp đồng đã được giao kết trực tuyến gồm: lưu kho, đóng gói, vận chuyển, thanh toán, đổi trả hàng, chăm sóc sau bán hàng…

Thế nhưng khi nhìn vào thực tế, dù con số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính đã lên tới hàng trăm nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Lý do là vì có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay hoạt động không đúng mục đích. Có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện…của khách hàng rồi chuyển tới đại lý.

Ngoài ra, chất lượng chuyển phát chưa cao cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống.

Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, giới chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát cần nâng cao năng lực với chất lượng cao và giá cạnh tranh qua việc mở rộng quy mô doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lành nghề cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin điện tử.

Ngoài ra, phải có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp chuyển phát tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát tiến tới dịch vụ hoàn tất đơn hàng ngày càng hoàn thiện hơn.

Nguyễn Nguyễn

Thương mại điện tử chậm phát triển là do dịch vụ chuyển phát chưa đủ tốt - 4