Thương hiệu gia dụng châu Âu vào Việt Nam: Dễ hay khó?

(Dân trí) - Thị trường thiết bị điện gia dụng Việt Nam vốn đã chật hẹp với đầy đủ các “ông lớn” từ Nhật, Hàn, cho tới Đức.. Một thương hiệu mới từ châu Âu là Beko cũng vừa gia nhập thị trường với một quan điểm “thị trường khó sẽ phải chinh phục bằng chất lượng”.


Gian hàng Beko tại Triển lãm IFA 2017.

Gian hàng Beko tại Triển lãm IFA 2017.

Tại Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất châu Âu IFA 2017 vừa tổ chức tại Berlin, Đức, thương hiệu Beko đã đưa tới gian hàng nhiều sản phẩm và công nghệ mới ấn tượng.

Thương hiệu điện tử gia dụng Beko thuộc sở hữu của Tập đoàn Arçelik (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo khảo sát hồi tháng 12/2016, Beko là thương hiệu số 1 châu Âu về thiết bị gia dụng lớn và là thương hiệu lớn thứ 2 ngành hàng gia dụng tại châu Âu. Đây cũng là thương hiệu phát triển nhanh nhất trên thị trường châu Âu trong 7 năm qua.

Gia nhập thị trường Việt Nam từ cuối năm 2016, Beko vẫn còn là cái tên mới mẻ đối với phần lớn người dùng trong nước.

Ông Hồ Xuân Lộc, Tổng giám đốc Beko Việt Nam chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi vừa được đưa vào thị trường từ tháng 7/2016. Sau 9 tháng có mặt tại Việt Nam, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dùng”.

Ông Lộc cho hay, tiêu chí của Beko khi bước vào thị trường Việt là mang chất lượng châu Âu có thực vào Việt Nam chứ không phải là một công ty đăng ký thương hiệu ở châu Âu nhưng thực chất hoạt động ở một nước thứ 3 nào đó.

Dạo quanh quan gian hàng Beko tại IFA 2017 có thể thấy hãng này sản xuất rất nhiều sản phẩm, từ tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, máy rửa bát, bếp từ, bếp ga, máy sinh tố, máy pha café… Tuy nhiên, hiện tại Beko mới chỉ đưa về Việt Nam 2 dòng sản phẩm là tủ lạnh sản xuất ở Thái Lan và máy giặt sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi đưa ra mức giá phải chăng không đắt và cũng không quá rẻ nên sản phẩm đã được chào đón trên thị trường”, ông Lộc chia sẻ.


Ông Hồ Xuân Lộc, Tổng giám đốc Beko Việt Nam, cho rằng thời gian sẽ giúp hãng vượt qua các khó khăn.

Ông Hồ Xuân Lộc, Tổng giám đốc Beko Việt Nam, cho rằng thời gian sẽ giúp hãng vượt qua các khó khăn.

Ông Hồ Xuân Lộc được biết đến là người đưa thương hiệu Panasonic về Việt Nam từ 20 năm trước. Hỏi về những thuận lợi và khó khăn mà ông đang có được và đối mặt khi “tìm đường” để đưa thương hiệu Beko mới mẻ vào thị trường, ông Lộc nói rằng: “Đưa một thương hiệu về Việt Nam 20 năm trước khó khăn hơn nhiều và chúng tôi thời đó phải bê từng sản phẩm để đi giới thiệu cho đối tác. Bây giờ mọi thứ đã có thể giao dịch, trao đổi trực tuyến nên dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, có một điều ông cảm thấy bất ngờ trong lần thứ 2 chinh phục thị trường Việt, đó là, mặc dù định hướng thị trường của Beko nhắm vào các thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng nhưng do thiếu sản phẩm nên Beko chia nhỏ lượng hàng tới các tỉnh xa, và khách hàng ở đây, điển hình như khu vực đồng bằng Sông Hồng hay ở đồng bằng Sông Cửu Long, đã đón nhận sản phẩm rất dễ dàng. Ông Lộc cho rằng người dùng trong nước đã thực sự quan tâm tới chất lượng và đó là dấu hiệu tốt để Beko bước vào thị trường này.

Ông Lộc cũng thừa nhận những khó khăn trước mắt mà ông phải đối mặt tại Việt Nam. Ông cho rằng thị trường Việt rất tiềm năng và đầy hứa hẹn nhưng ở đây, các ông lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã có chỗ đứng vững vàng từ nhiều năm nay nên để thuyết phục được người dùng dùng thử và thích sản phẩm của mình là một điều không dễ và là bài toán nan giải. Do đó, Beko đang chọn cách đi vào người dùng bằng chất lượng sản phẩm châu Âu. Khó khăn nữa, theo ông Lộc, đó là hiện tại Beko mới đưa về Việt Nam ít dòng sản phẩm nên chưa đủ để chứng minh sức mạnh của tập đoàn. Do đó, đến đầu 2018, công ty sẽ đưa về tất cả các sản phẩm được trưng bày tại IFA về Việt Nam.

“Những khó khăn của Beko đang gặp phải không phải là nan giải và để giải quyết những khó khăn trên chính là thời gian”, ông Lộc thể hiện sự tự tin khi đưa một thương hiệu mới vào thị trường Việt.

Chia sẻ với báo giới tại IFA 2017, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám Đốc Công ty CP Thế Giới Di Động, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Điện Máy Xanh, cho biết: “Sản phẩm Beko có chất lượng và giá cả rất phải chăng nên chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt doanh số tốt. 2017 là năm để Beko thăm dò thị trường, do đó, đến năm 2018, chúng tôi và Beko sẽ có những bước đi quan trọng để đẩy mạnh thương hiệu này tại Việt Nam”.

Nói về thị trường điện máy, ông Doanh cũng cho rằng thị trường điện máy Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới, với mức tăng trưởng không dưới 20%. Ông Doanh cho rằng thị trường điện máy luôn sôi động khi các nhà sản xuất liên tục cập nhật các mẫu mã mới, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đặc biệt ở ở phân khúc cao cấp. Trong khi đó, đại đa số phần lớn người dân ở các thị trường tỉnh xa đều chưa trang bị những thiết bị điện máy, đồ gia dụng thiết yếu. Do đó, đây là mảnh đất mà các nhà bán lẻ sẽ khai phá trong những năm tới với tiềm năng rất lớn.

Khôi Linh