Thực hư tuyên bố “tiêu diệt mạng Internet” của Anonymous

(Dân trí) - Cả thế giới “nín lặng” chờ đợi ngày 31/3 với tuyên bố sẽ đánh sập mạng Internet của nhóm hacker nguy hiểm nhất thế giới Anonymous, nhưng rồi ngày 31/3 trôi qua và Internet vẫn không có dấu hiệu của sự ngưng trệ. Vậy sự thực của lời tuyên bố này như thế nào?

Ngày 12/2, nhóm hacker Anonymous phát động chiến dịch “Operation Global Blackout 2012”, với tuyên bố sẽ đánh sập hệ thống mạng Internet toàn cầu vào ngày 31/3, nhằm phản đối dự luật SOPA, thị trường phố Wall và những nhà lãnh đạo kém tài trên khắp thế giới.

Tuyên bố này ngay lập tức đã gây ra nhiều thông tin xôn xao trong giới công nghệ về mức độ thực tế cũng như tính khả thi của việc đánh sập toàn bộ mạng Internet.

Tuy nhiên, ngày 31/3 đã trôi qua trong yên bình và hệ thống mạng Internet toàn cầu vẫn hoạt động bình thường mà không có dấu hiệu của sự tấn công hay ngưng trệ. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi phải chăng Anonymous “kém tài” hay chỉ “nổ” để gây sự chú ý?

Thực hư tuyên bố “tiêu diệt mạng Internet” của Anonymous
Anonymous muốn bảo vệ mạng Internet, thay vì muốn tiêu diệt nó

Thực chất, với danh tiếng của mình, việc lợi dụng tên tuổi của Anonymous để đưa ra những tuyên bố hùng hồn là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trên thế giới mạng Internet rộng lớn.

Trước thông tin mạng Internet sẽ bị đánh sập, trên tài khoản Twitter chính thức của Anonymous đã đăng tải đoạn thông điệp: “Chiến dịch Operation Global Blackout là một chiến dịch vô nghĩa và sẽ không xảy ra”.

Sau đó, dường như “búa rìu dư luận” vẫn tiếp tục nhắm vào nhóm hacker này, ngày 30/3, trên tài khoản Twitter chính thức của Anonymous lại tiếp tục đăng tải đoạn thông điệp: 

“Với hàng tỉ lần tuyên bố, Anonymous sẽ không đánh sập Internet vào ngày 31/3. Chiến dịch Operation Global Blackout chỉ là một chiếc dịch mạo danh. Chẳng có lý do gì để Anonymous đánh sập Internet, sân chơi của chúng tôi, điều này sẽ chẳng có ích lợi gì”.

Ngay sau khi ngày 31/3 trôi qua trong bình yên, Anonymous lại tiếp tục đăng tải đoạn thông điệp mới trên trang Twitter chính thức của mình, với khẳng định Anonymous chưa bao giờ có ý định đánh sập mạng Internet, mà ngược lại sẽ chiến đấu để bảo vệ mạng Internet.

“Internet sẽ không bị đánh sập bởi Internet. Hỡi các cư dân mạng, Internet vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và chúng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ nó".

Mặc dù Anonymous tuyên bố sẽ không đánh sập mạng Internet, nhưng điều này không có nghĩa rằng mạng Internet toàn cầu không thể bị đánh sập, ít nhất là trên lý thuyết và trong quá khứ.

Trước đó, vào ngày 21/10/2002, một cuộc tấn công đã nhắm vào 13 máy chủ root DNS, quản lý toàn bộ hệ thống tên miền toàn cầu, khiến cho hệ thống bị ngưng trệ trong khoảng 1 tiếng. Đây là lần thứ 2 hệ thống máy chủ root DNS bị ngưng trệ, lần đầu tiên xảy ra vào tháng 4/1997 vì lý do kỹ thuật.

Sau đó, vào ngày 6/2/2007, một cuộc tấng công khác nhằm vào hệ thống 13 máy chủ này, khiến cho ít nhất 2 máy chủ gốc đã bị thiệt hại nặng nề, trong khi đó ít nhất 2 máy chủ khác đã chịu quá tải. Cuộc tấn công kéo dài trong suốt 24 giờ đồng hồ.

Trước những sự tấn công nhằm vào hệ thống mạng Internet, ngày 8/2/2007, bộ Quốc Phòng Mỹ đã đưa ra tuyên bố: "Nếu Mỹ phát hiện ra một cuộc tấn công mạng nhằm mục đích phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, Bộ Quốc Phòng Mỹ, dưới sự cho phép của Tổng thống, sẽ sẵn sàng tấn công quân sự vào quốc gia nơi phát tán các cuộc tấn công mạng".

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Anonymous bị mạo danh để phát động và  đưa ra những tuyên bố gây sốc. Trước đó, vào năm ngoái, Anonymous cũng đã bị mạo danh để phát động chiến dịch nhằm đánh sập mạng xã hội Facebook vào ngày 5/11.

Tuy nhiên, Anonymous sau đó khẳng định không có lý do gì để đánh sập mạng xã hội Facebook hay Twitter, là những công cụ mà nhóm hacker này sử dụng để liên lạc và đưa ra các tuyên bố.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm