“Thú vui tiêu tiền” mới của các tỷ phú công nghệ

(Dân trí) - Với khối tài sản lên đến hàng tỷ USD, các tỷ phú công nghệ không quá khó để lựa chọn những “thú vui” cho riêng mình, và một xu hướng mới đang xuất hiện khi các tỷ phú này chuyển sang sưu tập những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, thay vì những siêu xe hay du thuyền.

Ngày càng nhiều người tạo nên tài sản có trị giá hàng tỷ USD nhờ vào sự phát triển của công nghệ. Hai đồng sáng lập của Microsoft Bill Gates và Paul Allen, nhà sáng lập Oracle Larry Ellison, hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin... là những cái tên quen thuộc trong danh sách những người giàu nhất thế giới trong nhiều năm qua, và gần đây là những cái tên “mới nổi” như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg... 

Cũng như nhiều tỷ phú trong các lĩnh vực khác, các tỷ phú công nghệ cũng có thói quen sở hữu những thứ đắt tiền như bộ sưu tập siêu xe, bất động sản lớn, thậm chí những tỷ phú như Paul Allen hay Larry Ellison còn sở hữu cả những hòn đảo cho riêng mình...

Tuy nhiên, giờ đây “thú vui tiêu tiền” của các tỷ phú công nghệ đang dần chuyển hướng sang thứ khác: các tác phẩm nghệ thuật.

 
“Thú vui tiêu tiền” mới của các tỷ phú công nghệ
Bức tranh “Lost on the Grand Banks” của họa sĩ Winslow Homer được Bill Gates chi ra đến 36 triệu USD để sở hữu

Chẳng hạn, Larry Ellison có một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật cổ có nguồn gốc từ Nhật Bản, với giá trị hàng triệu USD. Bill Gates, tỷ phú giàu nhất thế giới nhiều năm qua, cũng đã chi ra đến 36 triệu USD để sở hữu bức tranh “Lost on the Grand Banks” của họa sĩ người Mỹ Winslow Homer vào năm 1998, lập nên một kỷ lục vào thời điểm đó. Bức tranh này được Bill Gates treo ở bức tường bên ngoài thư viện ở nhà mình, gần một bức tranh khác là “Room of Flowers” của họa sĩ người Mỹ Childe Hassam, với giá trị ước tính tối thiểu 20 triệu USD.

Không chỉ tranh, Bill Gates còn sưu tập những hiện vật có giá trị khác về văn hóa và lịch sử. Năm 1994, nhà sáng lập Microsoft đã bỏ ra 49,4 triệu USD để mua được cuốn sách chép tay Leicester trong một cuộc đấu giá. Đây là cuốn sách chép tay được thực hiện bởi Leonardo da Vinci, ghi chép lại cẩn thận những nghiên cứu khoa học do chính tay thiên tài người Ý này viết. Cuốn sách được đặt theo tên người mua cuốn sách đầu tiên - Bá tước xứ Leicester. Đây được xem là cuốn sách đắt giá nhất lịch sử.

Cuốn sách đắt giá nhất hành tinh, được Bill Gates mua với giá 49,4 triệu USD
 
Cuốn sách đắt giá nhất hành tinh, được Bill Gates mua với giá 49,4 triệu USD

Nhiều lãnh đạo công nghệ khác cũng thể hiện sự quan tâm của mình đến nghệ thuật, bên cạnh sự quan tâm hàng đầu đến lĩnh vực công nghệ. CEO Yahoo Marrisa Mayer, nhà sáng lập mạng xã hội Path - Dave Morin đều là thành viên ban lãnh đạo của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco.

Jeff Dauber, cựu Giám đốc của Apple cũng nổi tiếng là một nhà sưu tập nghệ thuật với nhiều tác phẩm đắt tiền. Ông cũng thường xuyên mời nhiều người bạn của mình, trong đó có không ít nhân vật trong giới công nghệ, đến nhà riêng ở San Francisco để thường thức các tác phẩm nghệ thuật của mình như một buổi triển lãm thu nhỏ.

Bên cạnh các cá nhân trong lĩnh vực công nghệ, nhiều hãng công nghệ lớn cũng quan tâm đến việc sở hữu những tác phẩm nghệ thuật để trang trí cho trụ sở chính của mình, chẳng hạn trong khuôn viên của Microsoft có treo nhiều bức tranh của các  tác giả nổi tiếng.

Những hãng công nghệ non trẻ hơn với các nhà lãnh đạo trẻ tuổi cũng thể hiện sự quan tâm đến nghệ thuật, nhưng theo những cách khác, năng động và trẻ trung hơn.

 
Họa sĩ David Choe đã trở thành triệu phú nhờ những bức tranh vẽ graffiti trên tường trụ sở Facebook
Họa sĩ David Choe đã trở thành triệu phú nhờ những bức tranh vẽ graffiti trên tường trụ sở Facebook

Facebook là một trong số đó, khi công ty này thuê nghệ sĩ graffiti nổi tiếng David Choe để trang trí cho những bức tường trong trụ sở của công ty bằng những bức tranh graffiti đầy màu sắc, đổi lại, nghệ sĩ này đã nhận được phần thưởng 3,77 triệu cổ phiếu của Facebook, có giá trị ước tính lên đến 200 triệu USD khi Facebook chính thức “lên sàn” vào năm 2012.

Dịch vụ Snapchat của tỷ phú trẻ tuổi Even Spiegel cũng vậy. Dù Evan Spiegel mới chỉ 25 tuổi nhưng sở hữu khối tài sản lên đến 1,5 tỷ USD, đã thuê Wyatt Mills, một nghệ sĩ đường phố và bạn học cũ của Spiegel, để trang trí cho văn phòng của công ty với những bức tranh graffiti đầy nghệ thuật.

 
Những bức tranh vẽ graffiti đầy màu sắc bên ngoài văn phòng của Snapchat
Những bức tranh vẽ graffiti đầy màu sắc bên ngoài văn phòng của Snapchat

Bản thân Evan Spiegel cũng đã mua của Mills nhiều bức tranh vẽ do người này thể hiện, trò đó có một bức tranh trừu tượng hình ảnh của một con sư tử bên cạnh một người phụ nữ đang tô son môi.

Snapchat cũng thuê một nghệ sĩ đường phố nổi tiếng khác tại Los Angeles có nghệ danh ThankYouX để trang trí cho trụ sở của công ty với những bức tranh mang nhiều màu sắc khác nhau. ThankYouX cũng thực hiện một bức tranh chân dung của Steve Jobs theo phong cách graffiti như một món quà dành cho Spiegel.

 
Những bức tranh vẽ graffiti đầy màu sắc bên ngoài văn phòng của Snapchat
CEO Snapchat Even Spiegel (trái) và bức chân dung Steve Jobs theo phong cách graffiti, do họa sĩ ThankYouX (phải) vẽ tặng

Nhiều phòng trưng bày, nhiều nhà bán đấu giá cũng đang hy vọng thế hệ mới của làng công nghệ, những người trẻ tuổi hơn, những người đã sở hữu khối tài sản khổng lồ khi độ tuổi còn rất trẻ, sẽ “tiếp bước” Bill Gates và Larry Ellison để đặt sự chú ý của mình vào các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

Dĩ nhiên, với khối tài sản lên đến hàng tỷ USD, “thú vui” của các tỷ phú công nghệ rất đa dạng, tuy nhiên, có vẻ như những thứ xa xỉ như siêu xe hay du thuyền giờ đây không còn đủ sức hấp dẫn với những người đã quá quen thuộc với những thiết bị công nghệ khô khan, và có vẻ như họ đang dần chuyển sang những “thú vui” khá có phần mềm mại và nhẹ nhàng hơn, chính là nghệ thuật.

Phạm Thế Quang Huy