Thủ tướng: Đã đến lúc phát triển mạng xã hội của Việt Nam

(Dân trí) - Trong buổi làm việc tại Bộ TT&TT sáng 8/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về việc Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống mạng xã hội của riêng mình.

Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhấn mạnh đến lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam. “Đây là lĩnh vực ít người để ý đến nhưng thực tế viễn thông muốn phát triển thì bắt buộc phải có nội dung số. Đó là nhạc, phim, quảng cáo, game”. Ông Hùng cho rằng game ở Việt Nam phát triển tương đối yếu do quản lý chặt chẽ nhưng game là một lĩnh vực mang lại nguồn thu rất lớn, có thể nhìn sang thị trường này ở Nhật và Hàn Quốc.

Thị trường nội dung số ở Việt Nam còn tương đối nhỏ, mới trên 1 tỷ USD. Nếu so với tỷ trọng ngành viễn thông thì mới chỉ được khoảng 10%. Ở các nước khác thì ngành này chiếm khoảng 25-30%. Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ có những chính sách để giúp ngành nội dung số đạt 20-30% doanh thu ngành viễn thông.

Nói về cách mạng công nghiệp 4.0, Quyền Bộ trưởng cho rằng, tưởng như là một điều xa xôi nhưng thực ra 4.0 đã hiển hiện quanh ta, đã len lỏi vào cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Không có AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data thì làm sao có thể lọc được hàng trăm triệu bài viết mỗi ngày trên mạng. FPT hiện cũng đã có công nghệ xe hơi tự hành dù vẫn đang là trong giai đoạn thử nghiệm. Công ty VP9 sản xuất các thiết bị camera giám sát cũng sánh vai với các cường quốc mặc dù giá thành vẫn còn khá cao.

Ông Hùng cho biết Việt Nam từng mua camera của Trung Quốc và từng bị tấn công. Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu chúng ta để một thiết bị đầu cuối ở trong nhà thì phải đảm bảo tính bảo mật và làm chủ công nghệ.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.

Bộ TT&TT đặt mục tiêu các thiết bị IoT sản xuất ở Việt Nam sẽ chiếm ít nhất 60% thị trường này. Bộ sẽ thành lập tổ công tác thúc đẩy công nghiệp 4.0 và nghiên cứu các quỹ đầu tư các DN phát triển sản phẩm công nghệ 4.0. Các DN lớn như VNPT, Viettel, CMC, Mobifone… sẽ đảm nhận vai trò này để phổ cập công nghệ 4.0 đến rộng rãi với người dân.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết mạng xã hội đang là lĩnh vực được quan tâm, với doanh thu 370 triệu USD, gần tương đương với doanh thu của toàn ngành phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, nguồn doanh thu này chủ yếu rơi vào Google và Facebook lần lượt là 135 triệu USD, 235 triệu USD.

“Việt Nam đã có một mạng xã hội lớn là Zalo với 40 triệu thuê bao. Nhưng so với Facebook thì còn quá nhỏ”, ông Hùng nhận xét.

Đại diện Bộ TT&TT cũng cho hay Bộ đã cấp 436 giấy phép về mạng xã hội nhưng số lượng thuê bao ở những mạng này rất là khiêm tốn. Điều này có thể thấy chính phủ chưa chú trọng đến việc phát triển mạng xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, các mạng xã hội từ nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, chưa thực hiện yêu cầu an ninh của chính chúng ta.

Quyền Bộ trưởng cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển mạng xã hội trong nước để mạng xã hội Việt Nam có thể chiếm 60-70% thị phần. “Đã đến lúc chúng ta phải dùng biện pháp, hoặc là kinh tế hoặc là kỹ thuật để quản lý các mạng xã hội nước ngoài. Nếu chúng ta càng lùi thì càng bị mất chủ quyền”.

Hiện nay có khá nhiều DN tư nhân trong nước rất mong muốn trong 2-3 năm tới được phát triển mạng xã hội của người Việt để đi theo văn hoá của chính chúng ta. Các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Google là các dịch vụ toàn cầu nên tính địa phương hoá không cao. Do vậy chúng ta hoàn toàn có cơ hội.

Nói về mạng xã hội do chính người Việt phát triển, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề xuất của Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT. Thủ tướng nhấn mạnh Trung Quốc đã làm rất tốt về việc xây dựng mạng xã hội của riêng họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xây dựng mạng xã hội của mình. Bộ TT&TT đảm nhận nhiệm vụ này để cùng các DN xây dựng và phát triển mạng xã hội trong nước.

Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, để chúng ta làm chủ được không gian mạng thì bắt buộc chúng ta phải có hệ sinh thái số, bao gồm trình duyệt, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, phần mềm chống mã độc. “Tất cả những sản phẩm này Việt Nam đều có, như trình duyệt Cốc Cốc, hệ điều hành dành cho quân đội cho Viettel phát triển, phần mềm chống mã độc Bkav… nhưng chỉ có điều là quy mô còn nhỏ vì chúng ta chưa có chính sách, chưa có quy mô để hỗ trợ họ hay là dựng ngọn cờ để họ đi theo. Vì vậy chúng ta phải làm sao để cho họ lớn lên được”.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam đang đặt mục tiêu nằm trong Top 10 nước làm chủ hệ sinh thái. “Không nhiều nước đặt mục tiêu này vì họ cho rằng thế giới có cái gì thì dùng cái đấy. Nhưng Việt Nam là một trong số rất ít nước luôn mong muốn được tự chủ. Chính ý chí đấy sẽ giúp chúng ta làm chủ hệ sinh thái. Mục tiêu là sẽ có 70% các sản phẩm dịch vụ này là do người Việt Nam phát triển”.

Khôi Linh