Khai mạc Diễn đàn ICT Summit 2013:
Thủ tướng: CNTT thành phương thức phát triển mới
(Dân trí) - Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 3 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới.
Diễn đàn ICT Summit 2013 đã khai mạc sáng nay tại Hà Nội với sự tham gia của 500 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, các đơn vị ứng dụng CNTT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama là khách mời đặc biệt của Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông là cơ hội để thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và các định hướng, giải pháp nhằm phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết diễn đàn năm nay bàn về việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung vào các vấn đề xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo. “Đây là những vấn đề đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm giải quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết từ năm 2000, Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong đó xác định công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, vǎn hoá, xã hội. Hơn mười năm qua, công nghệ thông tin đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP, đồng thời có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hạ tầng viễn thông và dịch vụ viễn thông Việt Nam đang từng bước phát triển để ngang tầm khu vực và thế giới. Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng chung tay để đưa công nghệ thông tin thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản chia sẻ: “Nhật bản là đất nước nghèo tài nguyên, tài nguyên quan trọng nhất của chúng tôi là con người. Việt Nam có thể được thiên nhiên ưu đãi với các tài nguyên, như vật liệu đất hiếm, nhưng bồi dưỡng nguồn nhân lực cần thiết chắc chắn vẫn là yếu tố quan trọng nhất cho phát triển tương lai của Việt Nam”.
Ông Hatoyama cho biết sau kết thúc Chiến tranh Lạnh, bong bóng kinh tế Nhật Bản đã vỡ. Tình hình kinh tế thay đổi đáng kể và trở nên khó khăn. Từ khi kết thúc bong bóng cho đến nay kinh tế Nhật Bản đã trì trệ. Tuy nhiên, cho dù ngân sách chính phủ không tăng, chính phủ Nhật Bản tin tưởng vào sự cần thiết của việc liên tục tăng ngân sách cho khoa học và công nghệ, nền tảng của sức mạnh quốc gia, và với mục địch này Luật khoa học và công nghệ cơ bản đã có hiệu lực từ 1995.