Thu thuế DN số xuyên biên giới: Cần "cuộc chơi" bình đẳng

(Dân trí) - Quy mô kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD nhưng sự “bảo hộ ngược” đang khiến các DN trong nước phải chịu nhiều quy định bất công hơn hẳn so với doanh nghiệp xuyên biên giới, trong khi đó, chính phủ lại phải chịu sức ép lớn về nguồn thu ngân sách.

Có văn phòng thường trú mới đóng thuế là lỗ hổng lớn

Tại Hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số”, do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Thuế cho rằng để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa bao quát và kiểm soát nguồn thu phát sinh từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới thì cần phải có các quy định cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.

Ông Tuấn cho hay, Luật quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành 01/07/2020. Theo đó, Luật sẽ bổ sung các nội dung liên quan quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT và bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động TMĐT thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Ông Jonathan Leigh Pemberton - Chuyên gia thuế cấp cao của World Bank cho rằng kinh tế số là động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai. Muốn vậy kinh tế số phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trung lập: không bóp nghẹt, không tạo ra những bất lợi cho doanh nghiệp truyền thống.

“Việt Nam vẫn đang giữ nguyên quy định cũ về sự hiện diện thực tế, tức văn phòng thường trú đã có từ 100 năm nên không theo kịp thực tế kinh tế số hiện nay và tồn tại những lỗ hổng rất lớn, dẫn tới sự dàn xếp có chủ ý của các doanh nghiệp đa quốc gia để tránh cơ sở thường trú. Họ cố ý tách nơi tạo ra giá trị với nơi ghi nhận giá trị để trốn thuế. Hiện tại nhiều mạng xã hội, công cụ tìm kiếm nước ngoài có hoạt động rầm rộ trong nước dù không có sự hiện diện vật lý. Rất nhiều nước đã nhận thấy kẽ hở này và sự đồng thuận quốc tế để điều chỉnh lại luật thuế, chống xói mòn thuế ngày càng cao”, đại diện World Bank nhấn mạnh.

Thu thuế DN số xuyên biên giới: Cần cuộc chơi bình đẳng - 1

Các hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua các DN xuyên biên giới chưa thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình, Bộ TT&TT cho biết, theo báo cáo E-Economy SEA 2018 của Tamesek (Singapore), đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD, gấp 3,7 lần so với năm 2018. 33 tỷ USD là con số rất lớn so với quy mô nền kinh tế Việt Nam. “Vậy giá trị đó, nếu tham chiếu vào tình hình hiện tại, thì sẽ “chảy” về đâu? Ai sẽ được hưởng lợi bởi con số khổng lồ đó?”, ông Thanh Lâm đặt câu hỏi.

Theo ông Lâm, nếu chỉ thu được thuế của mỗi doanh nghiệp trong nước nhưng không thu được của DN xuyên biên giới thì lại thành tình trạng mà chúng tôi gọi là “bảo hộ ngược”, tức là DN trong nước phải chịu nhiều quy định bất công hơn hẳn so với doanh nghiệp xuyên biên giới. Trong khi đó, chính phủ lại phải chịu sức ép lớn về nguồn thu ngân sách.

“Chúng ta không đặt vấn đề DN xuyên biên giới có mang lại lợi ích hay không, vì tất nhiên phát triển mạnh đến mức này thì họ phải tạo ra giá trị rồi. Nhưng cái cần xem xét nghiêm túc nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật sở tại, trong đó có thuế, của các DN xuyên biên giới.

Cũng theo ông Lâm, nhiều nước, như Pháp, Úc, Singapore đã xây dựng văn bản luật pháp cho phép thu được thuế từ hoạt động kinh doanh của DN xuyên biên giới trên lãnh thổ nước mình. Việt Nam chỉ cần căn cứ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế hay để áp dụng.

Ông Lâm cũng nói rằng, việc đánh thuế GTGT theo mô hình kinh doanh B2C để đánh thuế trực tiếp vào người dùng là điều bình thường. Ví dụ như hàng tháng người dùng trả tiền để sử dụng kênh xem phim Netflix thì hoàn toàn có cơ sở để Netflix đóng thuế cho cơ quan thuế Việt Nam, bởi họ có phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Nhưng với trường hợp rất nhiều người dùng Facebook đang mua quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này thông qua thẻ tín dụng cá nhân, sau đó bán hàng hoá được quảng cáo cho người dùng khác thì sao? Đó có được gọi là B2C không? Ai là B, ai là C? Cơ quan quản lý Việt Nam đang tìm cách định nghĩa hình thức giao dịch đó và quản lý.

Cũng tham gia tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết cam kết sẽ đồng hành cùng các ngành khác để có cơ chế thu thuế hiệu quả, đảm bảo công bằng, bình đẳng mà không cản trở kinh tế số phát triển.

Theo Ngân hàng Nhà nước, luật quản lý thuế mới có bổ sung một số quy định mới như bổ sung quy định cung cấp dịch vụ nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải đóng thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, về lâu dài nên cân nhắc nghiên cứu, ban hành các luật mới về Kinh tế số, chẳng hạn như một số nước hâu Âu ban hành Luật GAFA để quản lý tốt hơn những doanh nghiệp xuyên biên giới, như Google, Facebook, Apple.

Cần xây dựng hệ thống khai thuế trực tuyến đơn giản

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Trinh Thiết - đại diện công ty VNG thẳng thắn nói về một số thiệt thòi trong việc phát triển và kinh doanh ngay trên đất nước của mình.

Nói về cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), ông Thiết cho rằng, mặc dù Luật thuế có quy định thuế GTGT được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng; nhưng trên lĩnh vực dịch vụ, nội dung số, trên thực tế chỉ có DN Việt Nam tuân thủ và nộp thuế GTGT đầy đủ, về phía các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ, nội dung xuyên biên giới chưa thực hiện một cách đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế GTGT.

Thu thuế DN số xuyên biên giới: Cần cuộc chơi bình đẳng - 2

Theo ông Thiết, hệ thống thuế của Việt Nam hiện nay có quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu, tiêu dùng dịch vụ phải khấu trừ, nộp thuế thay cho DN nước ngoài, còn gọi là thuế nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, rất khó xác định doanh thu và thu thuế người tiêu dùng dịch vụ, nội dung số, vì phần lớn là cá nhân và công ty nhỏ lẻ, khả năng thu thuế phụ thuộc nhiều vào sự tự giác của người nộp thuế là người tiêu dùng cuối cùng, vốn không hiểu biết về quy định thuế này nên khả năng tự giác nộp thuế là rất thấp.

Ông Thiết góp ý rằng cách tính thuế GTGT trong thuế nhà thầu nước ngoài đã vô tình tạo sự không công bằng về thuế suất khi quy định tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ của NTNN là 5%, trong khi thuế suất tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp trong nước là 10%.

Ông Thiết nhìn nhận, cơ quan thuế Việt Nam muốn tạo công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ thông thường khác, phải tiến hành một số hoạt động nhất định tại Việt Nam, phát sinh chi phí và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ, nội dung số xuyên biên giới. Lý do là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ, nội dung số xuyên biên giới hoàn toàn không phải tiến hành hoạt động tại Việt Nam, không phát sinh bất kỳ chi phí và thuế GTGT đầu vào nào tại Việt Nam; toàn bộ thuế GTGT đầu vào đều phát sinh tại nước ngoài, và đã được khấu trừ toàn bộ tại quốc gia của mình.

Góp ý về vấn đề này, ông Thiết cho rằng cơ quan thuế cần xây dựng hệ thống khai thuế trực tuyến giản đơn, cho phép doanh nghiệp nội dung số nước ngoài có thể dễ dàng tự khai tự nộp, hoặc cho phép và hướng dẫn doanh nghiệp nội dung số nước ngoài sử dụng dịch vụ đại lý thuế tại Việt Nam để kê khai, nộp thuế hộ.

Cũng chia sẻ ý kiến góp ý, Phạm Đạt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fado, cho rằng hiện nay Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định đa phương. Trong các hiệp định này, thuế suất đối với nhiều mặt hàng chỉ từ 0 - 5%. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu ngân sách. Trong khi các doanh nghiệp số kinh doanh trực tuyến nhập khẩu đơn chiếc, nhỏ lẻ nhưng giao dịch nhiều, nên doanh thu hàng năm cũng khá lớn. Nếu chính sách thuế đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử thì Nhà nước có thể thu được số thuế không nhỏ.

Ông Đạt gợi ý: “Chúng ta hoàn toàn có thể thành lập một trung tâm dữ liệu của DN thương mại điện tử xuyên biên giới và yêu cầu các sàn giao dịch điện tử đều phải thanh toán thông qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Khi đó cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Ngân hàng Nhà nước có thể truy cập, đối chiếu, thực hiện thanh, kiểm tra, giúp cho việc thu thuế được minh bạch”.

Đại diện World Bank cũng đề xuất cơ quan thuế nên đơn giản hoá việc kê khia thuế, đăng ký nộp thuế trực tuyến: tạo ra một cổng thông tin trực tuyến để các DN, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài dễ dàng kê khai, đăng ký và nộp thuế thay cho người dùng, cũng chính là khách hàng. Đây là việc nhiều nước đã áp dụng và cũng là định hướng mà Việt Nam đang hướng tới.

Khôi Linh