Thời đại @: Lên mạng học làm báo
Nếu theo quan điểm “báo chí là một nghề có thể học được chứ dạy thì không” thì các website, diễn đàn báo chí đang xuất hiện rất phong phú trên mạng hiện nay hoàn toàn có thể coi là kênh thông tin hữu ích để “học” nghề này.
Nghiêm túc, kỳ công mà... miễn phí!
Việt Nam có trên 10 nghìn người được cấp thẻ nhà báo, nhưng con số những người viết báo, làm báo thì gấp nhiều lần con số đó. Giao lưu, học hỏi và nâng cao năng lực nghiệp vụ nghề báo là nhu cầu không chỉ của người đang làm nghề mà còn với cả những người muốn tìm hiểu về "thế giới của thông tin" và hàng nghìn sinh viên đang theo học chuyên ngành báo chí trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.
Các website, diễn đàn báo chí xuất hiện từ khá sớm chính là một kênh thông tin đáp ứng nhu cầu này và đó thực sự là những địa chỉ hữu ích - không mang tính thương mại - mà không phải những người có nhu cầu “rèn nghề” đều đã biết, tận dụng và khai thác chúng một cách có hiệu quả.
Gần một chục website, diễn đàn hoạt động khá ổn định trong một vài năm trở lại đây, mỗi địa chỉ mang một vẻ riêng. Đây không chỉ dành cho dân học báo, làm báo mà còn là một chiếc “phao bơi” cho những người chưa qua đào tạo nghiệp vụ báo chí muốn làm báo bài bản.
Hocbao.com là một trong những trang thông tin ra đời sớm (năm 2002) do nhà báo Nguyễn Hoàng (Thời báo kinh tế Việt Nam) thiết lập. Nguyễn Hoàng từng viết luận văn tốt nghiệp ĐH về đề tài báo điện tử vào năm 1998, vì thế, cũng không ngạc nhiên khi nguồn thông tin phong phú trên Hocbao.com dành cho loại hình báo chí này.
Diễn đàn nghiệp vụ báo chí Việt Nam bộc lộ rõ tâm huyết, lòng yêu nghề của một nhà báo khác: anh Lê Quốc Minh (trưởng phòng tin đối ngoại - Thông tấn xã Việt Nam). Hai tên miền Vietnamjournalism.com và Nhabaovietnam.com được duy trì ổn định, thông tin truyền tải có tính định hướng nghiêm túc, chính thức lên mạng từ tháng 11/2004, nay có gần 700 thành viên. Sự điều hành, quản trị nhiệt tình và ý thức chăm chút cho từng thông tin xuất hiện trên đây đang dần chứng minh cái tên của diễn đàn không đến nỗi quá “to tát”...
Website Nghebao.com hoặc Baoviet.info do Đinh Tuấn Anh điều hành và phát triển từ năm 2004. Đây cũng là một kho thông tin về báo chí Việt Nam, phục vụ đắc lực cho việc tác nghiệp của người làm báo. Website này dẫn ý kiến trên VietNamNet về việc học báo:
“Học báo chỉ là học kỹ năng, còn trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà mình theo dõi. Người viết báo phải là “nhà báo thực sự”, phải lăn lộn với thực tế, nắm bắt được cuộc sống đang diễn ra như thế nào. Thực tế có nhiều người làm báo thiếu đi những “chiêu” mà một nhà báo năng động phải có. Khi được giao việc, họ thường “cuống” lên vì không dám tiếp xúc hoặc quá e ngại, vò đầu bứt tai trước những đối tượng cần gặp gỡ dẫn đến hiệu quả khai thác thông tin rất kém”. Đó cũng là một trong những mục tiêu thiết thực mà Nghebao.com muốn đem đến bạn đọc của mình.
Những nơi đào tạo báo chí - truyền thông như Học viên Báo chí - Tuyên truyền, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đều có “đất” trên mạng dành cho dân báo. Riêng phần Diễn đàn của khoa Báo chí trường Nhân văn tại địa chỉ Svnhanvan.org khá sôi nổi với nhiều chủ đề “nóng”. Diễn đàn của Học viện báo chí - Tuyên truyền (Ajc.edu.vn) gần như chưa có sự tham gia của sinh viên.
Một kênh thảo luận khác là Box Báo chí - Truyền thông của mạng Trái tim Việt Nam với đủ các chủ đề “trên trời, dưới biển” trong làng báo. Đôi khi thông tin ở đây không phải không bị “nhiễu”, nhưng đó là địa chỉ được coi là “thoáng”, có nhiều phóng viên trẻ và sinh viên báo chí tìm đến. Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi có nhiều nhà báo lâu năm thường xuyên vào trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nên có sức thu hút khá mạnh đối với giới nhà báo trẻ.
Ngoài ra, lướt mạng tìm thông tin nghề báo còn có thể gặp nhiều diễn đàn khác có quy mô nhỏ hơn do chính SV các lớp báo lập nên khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường hoặc sau khi tốt nghiệp...
Người học tìm gì - người làm web được gì?
Những địa chỉ kể trên được lập nên dành cho dân làm nghề và hầu hết trong số đó cho biết rõ tên người điều hành, quản trị. Mỗi website, diễn đàn thể hiện các mức độ đầu tư về công sức, tiền bạc, thời gian khác nhau - đa phần đều vì yêu nghề mà bỏ tiền túi ra làm tự nguyện.
Người quản trị Nghebao.com bày tỏ: “Là trang web do cá nhân lập ra nên diễn đàn hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Trang web không thu bất cứ khoản phí nào của thành viên, và các bài viết của thành viên đóng góp trên cơ sở tự nguyện, đóng góp vào một sân chơi chung mà không có chế độ nhuận bút. Diễn đàn Nghề báo có chế độ hỗ trợ cho mọi thành viên khi có tin, bài thuộc mọi lĩnh vực, nếu đủ điều kiện để đăng báo, chúng tôi sẽ trợ giúp để tin, bài viết được xuất hiện trên một ấn phẩm nào đó phù hợp”.
Chính vì sự nghiêm túc trong hoạt động nên mỗi website, diễn đàn đều có quy định khá chặt chẽ về việc đưa bài viết, đăng tải ý kiến khi báo chí luôn được coi là “nghề nguy hiểm” - hiểu trên nhiểu góc độ.
Anh Lê Quốc Minh khẳng định: “Diễn đàn được lập nên chỉ với một mục tiêu duy nhất là trở thành nơi trao đổi về các vấn đề nghiệp vụ báo chí. Mọi bài viết, ý kiến phê phán, chỉ trích bất kỳ một nhà nước hay thể chế chính trị nào - đặc biệt là Nhà nước Việt Nam - cũng như các cá nhân đều không được chấp nhận. Ban Quản trị có toàn quyền xóa những bài viết không phù hợp với tiêu chí hoạt động của Diễn đàn”.
Nói vậy không có nghĩa là các địa chỉ kể trên không để “lọt lưới” những bài viết khiến những người quản trị chúng đau đầu, gây tổn hại đến uy tín của diễn đàn. Tuy nhiên, không gian mạng luôn có tính linh động cao và với những “tôn chỉ mục đích” rõ ràng được đưa ra trước đó chính là “chìa khóa” để mở những khó khăn này.
Cái khó chính là với hàng chục diễn đàn như thế, đâu sẽ là địa chỉ hấp dẫn nhất, thu hút người đọc nhất, hoạt động của nó không nằm trong cảnh “chợ chiều” khi mà người làm báo, học báo thường có khả năng chọn lọc thông tin cao và báo chí vẫn là một lĩnh vực chuyên môn đặc biệt?
Qua hoạt động của các website, diễn đàn, có thể thấy các chủ đề được bạn đọc quan tâm nhất thường là: Tin tức liên quan đến hoạt động báo chí, kinh nghiệm - kỹ năng tác nghiệp, xu hướng phát triển của báo chí - truyền thông trên thế giới và góc thảo luận. Những diễn đàn đã thỏa mãn được những điều trên và chính mỗi Diễn đàn tùy vào mức độ đi sâu vào những chủ đề này là tự tạo cho mình thế mạnh riêng.
Trong xã hội thông tin, khi nghề báo ngày càng được giới trẻ ưa chuộng - bằng chứng là ngay trong mùa tuyển sinh năm nay, ngành báo chí có tỉ lệ “chọi” vào hàng nóng bỏng nhất - thì lượng người đọc của các diễn đàn báo chí trên mạng đang tăng lên không ngừng. Nếu nắm chắc thông tin là một trong những yếu tố đảm bảo cho sự thành công thì khi phụ trách các diễn đàn này, những người quản trị, điều hành chúng nắm được nhiều thông tin nhất về nghề báo, theo hướng chuyên sâu, mà không phải ai cũng có được.
“Muốn biết một diễn đàn hoạt động sôi nổi thế nào, hãy nhìn mỗi cuộc offline của nó ra sao”, có thể dùng câu này làm một trong những yếu tố quan trọng để kiểm nghiệm về hiệu quả hoạt động của không gian học báo, làm báo trên mạng. Và bạn đọc thử tưởng tượng xem, khi dân báo gặp nhau ngoài đời, có biết bao “topic” trong đời sống để kể, tâm sự với nhau bên cạnh họ vẫn lên mạng chia sẻ với nhau thông tin, kiến thức...
Xu hướng chung ngày nay và đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, mỗi người dân đều có khả năng làm một người viết báo, đưa tin, cộng tác viên báo chí (reporter, correspondent) - tức báo chí dần trở nên xã hội hóa ở góc độ nguồn lực báo chí - thì website, diễn đàn báo chí trở thành địa chỉ hữu ích không của riêng ai... Lập web hay diễn đàn báo chí cũng không còn là “độc quyền” của bất cứ người nào khi bước vào thế giới mạng, hiện nay blog cá nhân đang mọc lên như nấm sau mưa, mỗi blog cũng đã có thể coi là một trang báo có thể ảnh hưởng tới dư luận xã hội...
Theo Bùi Dũng
VietNamNet