Thiết bị liên tiếp cháy nổ: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Ít nhất đã có 2 vụ cháy nổ liên quan đến pin trên các thiết bị điện tử gần đây gây thương tích cho người sử dụng. Đây là một hồi chuông cảnh báo đối với người dùng đang sử dụng các viên pin không rõ nguồn gốc và đặc biệt thói quen sạc chúng bên cạnh khi ngủ.

Theo theo tin từ trang Guizhou, một chiếc smartphone mang thương hiệu Samsung là Galaxy Note 4 đã bất ngờ phát nổ trong đêm khiến cho một bé gái ở Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc bị thương trong lúc ngủ.

Nguồn tin này cho biết điện thoại được sạc ngay cạnh cô bé và bất ngờ nổ tung vào lúc 4 giờ sáng, đã làm cháy khuôn mặt, tóc và bàn tay của cô bé. Kể từ vụ nổ xảy ra, cô bé đã không thể ăn uống, nói chuyện và ngủ vì những vết bỏng gây đau đớn. Cô bé có thể sẽ phải chịu những vết sẹo vĩnh viễn do vụ tai nạn này, theo lời bố mẹ của bé.

Mẫu Galaxy Note 4 phát nổ ở Trung Quốc
Mẫu Galaxy Note 4 phát nổ ở Trung Quốc

Bố của cô bé đã nói với các tờ báo địa phương rằng chiếc điện thoại đã được mua vào tháng Tám năm ngoái tại quận Phủ Định, gần nơi gia đình sống ở An Thuận (Anshun). Chi phí của chiếc điện thoại là 2.699 NDT (khoảng 390 USD). Theo trang Guizhou Metropolitan Daily, các nhà bán lẻ điện thoại khẳng định rằng đó là một sản phẩm chính hãng.

Tuy nhiên, Samsung đã cử một nhân viên đến kiểm tra điện thoại sau vụ nổ, và nhấn mạnh rằng pin bên trong là giả mạo. Phía Samsung cũng nói thêm rằng: "Chúng tôi muốn bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi đối với những người bị thương, và chúng tôi đã và đang liên lạc với khách hàng của chúng tôi, để tìm ra nguyên nhân của vấn đề."

Tai nghe không dây phát nổ khiến người phụ nữ này bị cháy đen khuôn mặt
Tai nghe không dây phát nổ khiến người phụ nữ này bị cháy đen khuôn mặt

Trước đó không lâu, một nữ khách hàng trong chuyến bay từ Bắc Kinh đến Melbourne, Úc cũng bị thương tích trên khuôn mặt do một chiếc tai nghe không dây phát nổ. Theo Cục an toàn vận tải Úc, vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 2 này diễn ra khoảng hai giờ đồng hồ sau khi máy bay cất cánh. Tại thời điểm trên, khách hàng nữ này đang ngủ và viên pin trong tai nghe không dây bất ngờ phát hỏa khiến khuôn mặt bị cháy đen. Báo cáo này không tiết lộ về hãng sản xuất ra mẫu tai nghe này nhưng nhiều người cho rằng, pin bên trong tai nghe phát hỏa vì quá nóng.

iPhone 6 Plus của Amanda bị hư hại sau vụ nổ
iPhone 6 Plus của Amanda bị hư hại sau vụ nổ

Cũng trong cuối tháng 1 năm nay, một trường hợp iPhone 6 Plus phát nổ trong lúc cắm sạc diễn ra tại thị trấn Palm Harbor (bang Florida, Mỹ). Vụ nổ diễn ra vào rạng sáng ngày 31/1 khi chiếc iPhone 6 Plus của Amanda Bentz đang cắm sạc và để trên đầu giường. Rất may vụ nổ không gây thương vong về người cũng như cháy nhà bởi tiếng nổ lớn đã đánh thức Amanda Bentz dậy để kịp dập tắt.

Không chỉ vậy, vào cuối năm 2016 cũng liên tục chứng kiến hàng loạt vụ nổ liên quan đến pin của smartphone và các thiết bị điện tử, những chiếc ván trượt hoverboard đã bị khuyến cáo sau nhiều thông tin về các vụ nổ pin, cùng vụ việc chiếc Galaxy Note 7 bị lỗi pin, và một trong số đó đã bốc cháy.

Tại Việt Nam, gần đây cũng có một số sản phẩm micro Karaoke không rõ nguồn gốc sử dụng công nghệ pin này bất ngờ phát hỏa, rất may chưa có thương vong xảy ra.

Micro Karaoke nổ tại VN
Micro Karaoke nổ tại VN

Cụ thể, vụ nổ diễn ra diễn ra vào ngày 5/2/2017 tại một cửa hàng máy tính ở tỉnh Hà Tĩnh. Micro karaoke bất ngờ bốc cháy khi đang cắm sạc. Theo chủ nhân của thiết bị này, micro karaoke được mua ở một cửa hàng máy tính khác và nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Rất may vụ nổ chỉ làm thiệt hại nhẹ về tài sản.

Nên thay pin chính hãng, đừng vì rẻ mà chuốc họa vào thân

Trước những sự việc như vậy, có thể thấy những dòng pin lithium-ion thật sự nguy hiểm, đặc biệt là những loại pin không rõ nguồn gốc. Dạo quanh các cửa hàng điện thoại tại Việt Nam, người dùng dễ dàng chứng kiến việc bày bán công khai nhiều loại pin sạc cho thiết bị di động. Thậm chí ngay trên các vìa hè cũng được bày bán những phụ kiện trôi nổi này.

Theo một quản lý cửa hàng di động trên quận 10, TPHCM, khách hàng thường mong muốn mua pin giá rẻ để thay thế và không chi quá nhiều tiền cho nhu cầu này. Chính điều đó khiến cho thị trường pin trôi nổi ngày càng bùng phát. Chẳng hạn, nếu thay một viên pin iPhone 6 chính hãng, giá rơi vào khoảng 500 ngàn đồng thì thị trường giá rẻ hơn rất nhiều, từ 300 trở lại, có cửa hàng nhận thay chưa đến 180 ngàn đồng. Thậm chí, hiện nay còn nhiều người tự mua pin về thay thế cho sản phẩm dựa trên các hướng dẫn trên mạng. Thực trạng này thực sự đáng báo động, bởi không am hiểu kỹ thuật, đi cùng nguồn pin không nguồn gốc có thể dẫn đến những rủi ro lớn cho người dùng, tệ nhất đó là cháy nổ do pin.

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, đại diện Trung tâm bảo hành của Samsung Việt Nam cho biết, thực trạng như các báo đưa tin về việc mua pin dễ dàng và thay pin không nguồn gốc đang xảy ra ở khắp Việt Nam là có thật và sẽ khiến cho người dùng có thể gặp phải những nguy hiểm không mong muốn. Vị đại diện này cũng khuyến nghị, nếu thay pin hay sửa chữa thiết bị, người dùng nên đến các trung tâm Chăm sóc Khách hàng của hãng để được tư vấn và thay thế pin, nhằm sử dụng sản phẩm chính hãng, chất lượng và an toàn nhất.

"Trở ngại lớn nhất đối với linh kiện chính hãng đó là giá, tuy nhiên điều nó mang lại đó là sự an tâm cho khách hàng với chất lượng đảm bảo". Vị này nói thêm.

Vì sự an toàn của mình, hãy nói không với tất cả các sản phẩm pin không rõ nguồn gốc. Tránh mua pin không phải do các đơn vị chính hãng phân phối và đồng thời, hãy ngưng sạc pin bên cạnh khi đang ngủ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Gia Hưng