Thiết bị chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm đến đâu?

(Dân trí) - Nếu được quản lý và sử dụng đúng cách các thiết bị phóng xạ có tác dụng rất tích cực đến đời sống con người. Ngược lại, nguồn phóng xạ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng và môi trường.

Mới đây, Khoa học - Công nghệ TP HCM đã phát đi thông báo khẩn cấp về sự việc thất lạc thiết bị có chất phóng xạ nguy hiểm (thiết bị chứa nguồn phóng xạ kín Ir-192 (Iridium-192). Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã thu hồi an toàn thiết bị này (chưa có dấu hiệu bị cạy, phá) tại một nhà trọ trên đường Nguyễn Đình Khơi (phường 4, quận Tân Bình). Qua quá trình điều tra, cơ quan công an nhận định, thiết bị này đã bị đánh cắp.

Ông Đỗ Nam Trung - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học - Công Nghệ TP HCM), đây là thiết bị có hệ thống bảo vệ tránh phát tán chất phóng xạ. Trong trường hợp bị  phá hủy, nhiều chất phóng xạ kích thích sẽ gây hủy hoại môi trường và con người. Trong đó, nguy hiểm nhất chất Ir-192. Khi chất này bị giải phóng có thể khiến người bị nhiễm bỏng, nhiễm độc phóng xạ.

Thiết bị phóng xạ đã bị lấy trộm
Thiết bị phóng xạ đã bị lấy trộm

Theo các tài liệu khoa học từ Viện Năng lượng nguyên tử VN, thiết bị này có chức năng chụp ảnh xuyên thấu, chứa nhiều chất phóng xạ, trong đó nguy hiểm nhất là chất Iridium 192. Đồng vị phóng xạ Iridi, Ir-192 phát ra các tia xạ beta và đặc biệt là tia xạ gamma, Mức độ tổn thương liên quan đến việc tiếp xúc Iridi Ir-192 phụ thuộc vào khoảng cách gần hay xa và thời gian bao lâu.

Bức xạ gama năng lượng cao của Ir-192 khi tiếp xúc bên ngoài có thể gây bỏng, tiếp xục gần và lâu với nguồn mạnh có thể gây nguy cơ ung thư và có thể dẫn đến chết người. Nếu nuốt phải phải một lượng chất Ir-192. Lúc đó tia gamma và bêta của nó phát ra có thể đốt cháy lớp lót dạ dày và ruột, đồng thời chất Ir-192 cũng như các đồng phân hay đồng vị Iridi khác như Ir-192m hay Ir-194m có xu hướng tích tụ trong gan, tiếp tục gây nguy hiểm cho sức khỏe do chính bức xạ beta và gamma.

Trên thực tế nguồn nguồn phóng xạ Ir-192 vẫn được sử dụng trong một số thiết bị phục vụ ngành khoa học và cả y tế. Các chuyên gia khẳng định  nếu tuân thủ đúng các quy tắc sử dụng, nguồn phóng xạ Ir-192 cũng như các chất phóng xạ khác sẽ có tác dụng cực lớn trong đời đời sống và ứng dụng trong các nghiên cứu khoa học phụ vụ công tác khám, chữa bệnh (đặc biệt liên quan đến điều trị bệnh ung thư).

Được biết, sau sự cố bị mất cắp thiết bị phóng xạ vừa qua , Sở Khoa học & Công nghệ đã kiến nghị UBND TPHCM sớm có văn bản kiến nghị lên Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân trên địa bàn TP để có quy trình xử lý tốt nhất khi các sự cố không mong muốn xảy ra.

Phạm Thanh