Thị trường TV LCD - Quả pháo “tịt ngòi”

So với hồi đầu năm, giá TV LCD xuống cả chục triệu đồng mà sức mua vẫn không tăng như dự báo và mong đợi của các hãng sản xuất. Qua mùa World Cup, thị trường càng èo uột dù đã được hỗ trợ bởi các chương trình khuyến mãi.

Cuối năm ngoái, dự báo thị trường nước ngoài sẽ bùng nổ TV LCD và dĩ nhiên, thị trường trong nước cũng được giới kinh doanh cho rằng, ăn theo hiệu ứng dây chuyền. Tính đến thời điểm này, sức tiêu thụ TV LCD không như dự báo

 

Lắm thương hiệu, nhiều mức giá

 

Nếu xét về thương hiệu, thì thị trường LCD đủ mặt anh tài của Nhật, Hàn, Trung Quốc và gần đây, có thêm một số thương hiệu của Việt Nam. Mức giá cũng chênh nhau đáng kể. Cùng là TV LCD 32 inch, nhưng của BenQ (Đài Loan) có giá 25 triệu, trong khi Samsung định giá 29 triệu và Bravia của Sony có giá khoảng 35 triệu đồng. Theo người bán, mức giá này phụ thuộc vào chất lượng hình ảnh, loại có độ phân giải cao hay thấp, tỷ lệ tương phản (contrast) thế nào. Nhưng một nhà sản xuất TV cho biết, chủ yếu là giá trị thương hiệu.

 

Không giống như TV bóng đèn hình có đủ loại kích cỡ, TV LCD bán được chủ yếu từ 25 inch trở lên. Hiếm thấy xuất hiện những model nhỏ 15 hay 17 inch mà theo giải thích của nhân viên siêu thị điện máy Nguyễn Kim vì không còn hút khách nên siêu thị không nhập hàng.

 

Cuối năm ngoái, LCD 32inch của BenQ có giá 32 triệu, qua mấy lần điều chỉnh, xuống còn 25 triệu đồng. Nguyên nhân, theo giới kinh doanh, không chỉ do giá thế giới giảm, mà có phần do khó cạnh tranh với TV cùng loại của các hãng có thương hiệu lớn như Sony hay Samsung. Sự điều chỉnh giá này khiến cho TV LCD của các công ty Việt Nam cũng phải điều chỉnh giá cho phù hợp.

 

Những công nghệ phụ trợ

 

Khá nhiều công ty lao đầu vào sản xuất TV LCD vì tỷ suất lợi nhuận cao. “Nếu mua linh kiện để sản xuất số lượng lớn, thì giá thành toàn bộ khoảng 800USD”

 

TV LCD bán trên thị trường hiện nay, chủ yếu có hai loại: loại thường và loại TV độ nét cao (HDTV). Tuy nhiên, loại nào thì dùng để xem các chương trình truyền hình cũng cho chất lượng như nhau. Nguyên nhân là công nghệ phát hình của Việt Nam chưa phát độ nét cao. Chính vì vậy mà một số người “lỡ” mua TV LCD độ nét cao về, không phát huy tác dụng. Một người bán kể lại, có người còn mắng vốn tiệm bán vì hình ở tiệm thì rõ, sắc nét, còn hình ở nhà thì không đẹp bằng. “Lý do là hình ở tiệm phát bằng đầu DVD độ nét cao, nên khả năng hiển thị hình ảnh tốt hơn”- người bán nói.

 

Ngoài các công nghệ chính về phát hình, các hãng đưa thêm các chức năng phụ trợ như kết nối với máy tính, đầu đọc thẻ nhớ. Thí dụ như Toshiba 27WL55E nhận được tín hiệu máy tính, Toshiba 32WL58E có hỗ trợ thẻ nhớ. Những model tivi Bravia tương thích với các thiết bị khác qua cổng HDMI như đầu đĩa Blu-ray, các thiết bị chơi game mới và máy quay phim chuẩn HD...

 

Không chỉ dừng lại ở công nghệ rời mà với các model của tivi cao cấp của hầu hết các hãng còn được tích hợp sẵn những công nghệ hình ảnh và âm thanh kỹ thuật số vào trong chiếc TV như tia bức xạ thấp ít hại mắt cho người xem, tự điều chỉnh độ sáng, chức năng khuếch đại âm thanh làm âm thanh trung thực hơn, nghe hay hơn, tăng lọc hình ảnh, giảm nhiễu tối đa, nâng cao độ tương phản và trải rộng thang màu để hình ảnh trình chiếu luôn sắc nét, mịn màng và rực rỡ sắc màu... Những tính năng này tự động kích hoạt khi bật TV. Theo đại diện của hãng Sony Việt Nam, những tính năng cao cấp này người tiêu dùng không biết nhưng khi so sánh giữa các model của các hãng sẽ được thể hiện rõ nét. Công nghệ chip SXRD có trong TV LCD dòng X và SXRD của Sony nhằm giảm khoảng cách nhỏ nhất giữa các pixel khiến hình ảnh sống động và trung thực hơn với hai triệu điểm ảnh (1920 x 1080 pixels).

 

Không bùng nổ như mong đợi

 

Cuối năm ngoái, dự báo thị trường nước ngoài sẽ bùng nổ TV LCD và dĩ nhiên, thị trường trong nước cũng được giới kinh doanh cho rằng, ăn theo hiệu ứng dây chuyền. Tính đến thời điểm này, sức tiêu thụ TV LCD không như dự báo. Các hãng nào đưa sản phẩm này ra thị trường trước mùa World Cup còn đỡ, một số hãng chậm chân, hết giải bóng đá thế giới mới có sản phẩm, thì hầu như bán không được hàng. Ở các siêu thị điện máy, hiện nay, nếu tính trên số lượng sản phẩm bán ra thì tỷ lệ TV LCD chỉ bằng 1/10 so với tỷ lệ TV thường. Tính về doanh số thì tỷ lệ này có cao hơn chiếm từ 20% đến 30% vì giá của LCD cao gấp nhiều lần giá TV thường. Ông Lê Vũ Vương, phụ trách tiếp thị hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết trung bình mỗi ngày hệ thống này bán được từ 5-6 chiếc TV LCD, chủ yếu là loại có kích thước từ 26 inch đến 40 inch. Đáng chú ý là người mua chỉ tập trung mua sản phẩm của một vài nhãn hiệu quen thuộc như Sony, Samsung, LG... Có một số nhãn hiệu có khi vài tháng mới bán được một chiếc.

 

Lý giải về “quả pháo” LCD tịt ngòi, theo ông Đinh Văn Lăng, giám đốc marketting siêu thị điện máy Lộc Lê, tuy giá TV LCD có hạ nhưng không đáng kể, trong khi đó thu nhập của người tiêu dùng có tăng nhưng không nhiều. Bên cạnh vấn đề sức mua còn yếu, theo một nhà sản xuất, còn có lý do công nghệ phát hình chưa theo kịp, cho nên người xem chưa thấy rõ ưu thế của TV LCD, ngoài việc nó mỏng, ít tốn chỗ và đẹp nhà.

 

Theo phân tích của nhà sản xuất trên, khá nhiều công ty lao đầu vào sản xuất TV LCD vì tỷ suất lợi nhuận cao. “Nếu mua linh kiện để sản xuất số lượng lớn, thì giá thành toàn bộ khoảng 800USD” - ông này cho biết. Hơn nữa, sản xuất TV LCD còn dễ hơn TV bóng đèn hình, vì công đoạn lắp ráp đơn giản, không cần cân chỉnh. Vị này cho biết, nhờ công nghệ sản xuất mới nên tỷ lệ lỗi của panel màn hình đã giảm nhiều, khiến cho giá thành còn giảm hơn nữa trong thời gian tới. “Vì vậy, LCD sẽ có chỗ đứng trên thị trường” - ông này khẳng định. Trước đây, so với Plasma, loại có màn hình dưới 37 inch, thì LCD chiếm ưu thế. Nay LCD đã phát triển, chiếm ưu thế từ 40inch trở xuống. Điều này cho thấy LCD đang đà phát triển.

 

Theo Phương Khánh Phúc

Sài Gòn tiếp thị