Thị trường truyền hình cáp: Tố “đầu tư ngoài ngành” để độc quyền

Vấn đề Bộ TTTT chậm trễ trong việc xem xét cấp mới giấy phép truyền hình cáp (THC) cho Viettel vô hình trung giúp cho VTV củng cố vị thế độc quyền trong lĩnh vực này đang được dư luận chú ý.

Bởi, VTV ở thế độc quyền càng lâu thì người tiêu dùng càng phải móc hầu bao nhiều hơn.
 
Tố “đầu tư ngoài ngành” lại đầu tư ngoài ngành!

Nửa cuối năm 2012, VTV, SCTV, VCTV và Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) gửi công văn đến các bộ ngành trung ương kiến nghị không cấp thêm giấy phép THC mới. Động thái này, nhằm để ngăn chặn Viettel, VNPT và FPT Telecom tham gia thị trường. Cả ba DN viễn thông này đã sẵn sàng đầu tư vào THC, riêng Viettel thì gần như đã hoàn tất khâu đầu tư, chỉ còn chờ có giấy phép là cung cấp dịch vụ. Thế nhưng vì kiến nghị trên, tiến trình cấp phép đang chưa biết đi về đâu...    
Bản tin trên website VCTV cho thấy nhà đài này “lấn sân” ra ngoài ngành, cung cấp dịch vụ Internet.
Bản tin trên website VCTV cho thấy nhà đài này “lấn sân” ra ngoài ngành, cung cấp dịch vụ Internet.


Một trong những cái cớ để phía VTV và Hiệp hội THTT ngăn bước các DN viễn thông là “đầu tư ngoài ngành”, từ viễn thông nhảy sang THC. Song lạ là, cả Viettel, VNPT, FPT Telecom đã bước vào lĩnh vực THTT từ lâu với dịch vụ truyền hình Internet (IPTV), nhưng không thấy VTV và hiệp hội cho là đầu tư ngoài ngành và không có thế mạnh về làm nội dung. Đơn giản vì THC đang còn nhiều tiềm năng, và hai “đứa con” của VTV là VCTV và SCTV đang thống lĩnh thị trường, không muốn bị DN khác tranh phần.

“Tố” các DN viễn thông “đầu tư ngoài ngành” nhưng mới đây VCTV lại... kinh doanh ngoài ngành, bằng việc ký kết hợp tác với CMC Telecom cung cấp dịch vụ Internet GigaNet Home trên cáp truyền hình. Như vậy là VCTV đang nghiễm nhiên nhảy sang lĩnh vực Internet. Cách đây nhiều năm, SCTV cũng đã cung cấp dịch vụ tương tự mang tên SCTVNet tại khu vực phía nam.

“Miếng bánh” còn rất lớn

Các số liệu thống kê về thị trường THTT tại VN còn thiếu thống nhất nhưng con số gần đây thường được nhắc đến là tổng số khoảng 4,5 triệu thuê bao trên thị trường hiện nay dành chung cho THC, truyền hình số vệ tinh và số mặt đất. Trừ mảng truyền hình số của VSTV, VTC và AVG, thì mảng THC còn lại những cái tên nổi bật là SCTV (1,5 triệu thuê bao), VCTV (khoảng 1 triệu thuê bao), HTVC (TPHCM) và HCTV (Hà Nội). Tuy nhiên theo một nguồn tin, thuê bao của HTVC từ hơn 700.000 đã rớt xuống còn khoảng 300.000. HCTV cũng không thể cạnh tranh nổi với “anh em nhà VTV”. Tính chung thị trường THTT, VTV đã chiếm thị phần thống lĩnh. Còn tính riêng thị trường THC, “anh em nhà VTV” gần như độc chiếm.  

Những hệ lụy từ sự độc chiếm của SCTV và VCTV trên thị trường THC đã quá rõ khi hai nhà đài này liên tục tăng cước đến 250% từ năm 2009 trở lại đây. Những con số từ báo cáo cạnh tranh 2012 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thực hiện đã cho thấy rõ hơn vì sao VTV lại phải ngăn Viettel, VNPT, FPT Telecom bước vào thị trường THC.

Theo đó, “chiếc bánh” THTT từ doanh thu gần 2 tỉ USD năm 2011 đã tăng nhanh lên 2,5 tỉ USD năm 2012 (tương đương 53.000 tỉ đồng); trong đó, nguồn thu quảng cáo cũng rất lớn, đạt 850 triệu USD năm 2011 và 1 tỉ USD năm 2012. VN có khoảng 20 triệu hộ gia đình, ngưỡng bão hòa THC được cho là khoảng 60%, tương đương với ít nhất 12 triệu thuê bao, trong khi thực tế mới phát triển được 4,5 triệu thuê bao, như vậy “miếng bánh” còn lại là rất lớn.   

Chấp thuận cho SCTV, VCTV được đầu tư và kinh doanh viễn thông, vậy liệu có hợp lý không khi cản các DN viễn thông tham gia thị trường THC? Trong một hội nghị do Bộ TTTT tổ chức vào cuối năm 2012, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo xem xét sớm cấp phép dịch vụ THC cho Viettel. “Quả bóng” đang nằm trong “chân” Bộ TTTT.
Theo Lao động