Cuối năm nay phải trình được quy hoạch số hóa truyền hình
(Dân trí) - Tại Hội nghị triển khai số hóa truyền dẫn, phát sóng, truyền hình mặt đất đến năm 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các địa phương và các doanh nghiệp truyền hình đến cuối năm nay phải trình được quy hoạch cho đề án số hóa truyền hình.
Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định 2451/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh, chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đã thống nhất áp dụng phiên bản tiêu chuẩn DVB-T2 cho truyền hình số mặt đất Việt Nam. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, DVB-T là tiêu chuẩn đang được áp dụng tại hơn 140 quốc gia trên thế giới.
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh số hóa truyền hình là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, điều đáng lo là việc tổ chức như nào, về kỹ thuật cần đảm bảo đồng bộ, về tài chính cần phải đảm bảo không gây lãng phí ngân sách nhà nước.
“Trước hội nghị chúng tôi lo lắm, nhưng sau 3 tiếng lắng nghe các tham luận của các đơn vị đã nhận thấy tất cả các tỉnh thành đều đã có những chuẩn bị bước đầu rất tốt”, Phó Thủ Tướng chia sẻ.
Thủ Tướng yêu cầu từ nay đến tháng 6, các tỉnh nên bàn nhau theo hướng dẫn của Bộ TT-TT để đưa ra được đề án sơ bộ (dự kiến sẽ thực hiện như thế nào, kinh phí bao nhiêu, và hợp tác với ai). Từ đó, bộ sẽ xem xét đề án của các tỉnh, cân đối với các doanh nghiệp xin cấp phép.
Ngoài ra, đại diện Chính Phủ cũng nhấn mạnh về lộ trình thực hiện Đề án. Theo đó, đến cuối năm nay, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp cần phải trình được quy hoạch phát thanh truyền hình cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết kế hoạch số hóa truyền hình sẽ được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành trên cả nước. Giai đoạn đầu tiên sẽ áp dụng với 5 thành phố trực thuộc TW, gồm Hà Nội (cũ), TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo đó, dự kiến các địa phương trên sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.
Tuy nhiên, Phó Thủ Tướng cho rằng mặc dù giai đoạn triển khai đầu tiên chỉ thực hiện tại 5 thành phố lớn, nhưng các tình, thành khác có thể không cần đợi đến giai đoạn của mình mới tiến hành số hóa mà có thể triển khai trước.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết trong quy hoạch của Thủ tướng phê duyệt nêu rất rõ mục tiêu từng bước hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất. Việt Nam sẽ có 5-6 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất, trong đó có 2-3 doanh nghiệp truyền dẫn toàn quốc, còn lại là truyền dẫn khu vực.