Thị trường PDA tiếp tục ảm đạm

(Dân trí) - Thị trường thiết bị hỗ trợ cá nhân toàn cầu tiếp tục tuột dốc không phanh với tổng sản lượng xuất xưởng chỉ còn 1,1 triệu chiếc trong quý III năm nay, rớt 15,4% so với 3 tháng trước đó.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, đây là quý 11 liên tiếp thị trường PDA rơi vào tình trạng thảm hại như thế này. “Một phần quan trọng nhất khiến sản lượng trong 3 tháng trước của thiết bị hỗ trợ cá nhân sụt giảm là vì không có sản phẩm mới được tung ra thị trường”, Ramon Llamas, một nhà phân tích của IDC, cho biết.

 

Các hãng bán lẻ vẫn chỉ trưng bày những model cũ. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán, sản lượng của PDA trong 3 tháng cuối năm nay sẽ khởi sắc hơn khi các hãng sản xuất tung ra các mẫu đời mới với sự cải tiến về kiểu dáng và tính năng.

 

Thế nhưng, IDC cho rằng, sự thiếu vắng những mẫu PDA mới không đồng nghĩa với việc thị trường máy cầm tay bị “kết liễu”. “Vẫn có những người dùng trung thành với các thiết bị hỗ trợ cá nhân cầm tay mặc dù đây chỉ là một phân đoạn thị trường rất khiêm tốn”, ông Llamas lạc quan.

 

Ở một số nước đang phát triển, PDA có vai trò quan trọng trong việc tự học tập nghiên cứu, cho phép người dùng tiếp tục học, xử lý bài tập khi ở ngoài lớp học miễn là đã download nội dung đó từ máy tính. “Nếu nhu cầu nghiên cứu càng tăng thì thị trường sẽ xuất hiện thêm nhiều model mới để tối ưu cho những nhiệm vụ này và sản lượng bán ra thị trường của PDA cũng sẽ khả quan hơn”, nhà phân tích của IDC nhận định.

 

Hiện tại, Palm vẫn là hãng sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới nhưng hãng này chưa bị ảnh hưởng bởi sự “suy thoái” của PDA. Sau khi tung ra 2 mẫu PDA tầm thấp Palm Z22 và Palm TX cách đây gần 1 năm, hãng này vẫn chưa có kế hoạch chào hàng sản phẩm mới.

 

HP là hãng sản xuất PDA lớn thứ 2 trên thế giới và là hãng bán lẻ thiêt bị cầm tay sử dụng hệ điều hành Microsoft Pocket PC lớn nhất trên thị trường, với sản lượng xuất xưởng lớn gấp đôi 2 nhà sản xuất khác.

 

Thế Vũ

Theo VNuNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm