Thị trường laptop cuối năm: Sôi động trăm bán vạn mua

(Dân trí) - Thông thường, dịp cuối năm âm lịch luôn là thời điểm các mặt hàng điện tử, tin học có sức tiêu thụ rất mạnh. Theo các doanh nghiệp phân phối mặt hàng laptop thì vào thời điểm này, thị trường laptop đang diễn biến khá sôi động.

Sôi động mua bán

“Cơn sốt” giảm giá laptop xuống dưới 600USD của nhiều hãng máy tính như Tosiba, Acer, CMS… đã tăng đáng kể sức mua mặt hàng này trên thị trường. Có trong tay trên dưới 10 triệu, khách hàng đã có thể chọn lựa được cho mình chiếc laptop vừa ý, có nhiều tính năng tân kỳ với tốc độ chấp nhận được. Ở phân khúc thị trường này, laptop thường có cấu hình tương đối, rất phù hợp với dân văn phòng.

 

Khảo sát một vòng qua các trung tâm tin học lớn tại Hà Nội như dọc phố Lý Nam Đế, Lê Thanh Nghị… có thể nhận thấy hầu hết các cửa hàng tin học lớn đều khá náo nhiệt. Theo nhiều đại lý phân phối, dịp cuối năm, sức mua các mặt hàng laptop đều tăng mạnh. Theo đánh giá của nhiều nhà phân phối, tháng 11 và 12/2006 (âm lịch) là một trong những dịp bán laptop chạy nhất trong năm.

 

Theo phân tích của nhà phân phối Bách Phương (120 Kim Ngưu, Hà Nội)  thì có nhiều yếu tố làm cho dẫn tới thị trường laptop tăng trưởng mạnh. Thứ nhất: Vào dịp cuối năm, nhiều người có nhu cầu công việc cần tính di động, nhu cầu kiểm soát thông tin nhiều hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, đa chiều hơn. Thứ hai, sau một thời gian nghe ngóng, theo dõi, chờ đợi những biến động về giá cả của thị trường laptop (hy vọng là giá laptop sẽ giảm sau khi Việt Nam ra nhập WTO), nhưng thực tế không có biến động nhiều chính vì vậy mà người tiêu dùng đã bắt đầu đưa ra quyết định mua hàng trở lại. Thứ ba, thời điểm cuối năm cũng là lúc khách hàng dồi dào về khả năng tài chính hơn cả.

 

Theo ông Trần Xuân Kiên, Phó Giám đốc Cty Trần Anh thì lượng laptop của nhà phân phối này bán ra trong thời điểm hiện nay tăng gấp 2-3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái và tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm cách đây 3-4 tháng. Theo ông Kiên, sở dĩ sức mua tăng đáng kể là do các hãng liên tục tung ra những model giá rẻ, cộng với các chương trình quảng cáo, khuyến mại sản phẩm rầm rộ. Tuy nhiên hiện nay thị trường laptop vẫn đang trong giai đoạn “chiến tranh” về giá giữa các nhà sản xuất, các chương trình thu hút khác chưa nhiều.

 

Sức ép cho các nhà phân phối

 

Các nhà phân phối ở Việt Nam đua nhau hấp dẫn khách hàng bằng giá cả và khuyến mại. Hầu hết các hàng và các nhà phân phối đều tung ra các chính sách khuyến mại nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng đến với mình trong dịp cuối năm này, phổ biến là: giảm giá, khuyến mại, tặng quà. Trong thời điểm này, các hãng và một số đại lý có nhiều chương trình khuyến mại rầm rộ như mua laptop được tặng máy in, nâng cấp Ram, tặng USB… Đặc biệt, Acer còn đưa ra chương trình khuyến mại tương đối lớn, khách có cơ hội trúng trúng thưởng ôtô Innova G, TV LCD 42 inch… khi mua laptop của nhà sản xuất này.

 

Đây cũng là dịp có ít biến động nhất về cấu hình và chủng loại laptop do những thông tin về CPU, về hệ điều hành Vista v.v…các nhà sản xuất lớn đã tiến hành chạy nước rút trước khi kết thúc năm tài chính 2007. Do vậy, nếu thực sự có nhu cầu, khách hàng có thể đưa ra quyết định mua hàng sớm mà ít có tư tưởng chờ cái mới.

 

Giá cả laptop hiện nay đang ở mức khá phong phú, giao động từ 599 USD - 2.500 USD, với nhiều thương hiệu, mẫu mã, kiểu dáng, cấu hình… đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. 

 

Theo giới phân tích, khi VN gia nhập WTO thì thách thức lớn nhất rơi vào các công ty sản xuất laptop mang thương hiệu Việt Nam vì sẽ có nhiều tên tuối máy tính khác được nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, thách thức lớn thứ hai sẽ rơi vào các công ty phân phối nhỏ, vốn ít, làm ăn không uy tín, không chú trọng phát triển thương hiệu và hình ảnh của công ty. 

 

 Việt Nam đã cam kết mở cửa mạnh mẽ ngành dịch vụ và đặt biệt là lĩnh vực phân phối, do vậy việc cạnh tranh với các nhà phân phối chuyên nghiệp, quản lý tốt, vốn lớn đến từ nước ngoài sẽ là một thách thức tất yếu mà các công ty phân phối Việt Nam đang bắt đầu phải đối mặt.

 

Bảo Trung

Dòng sự kiện: Laptop 2007