Thị trường CNTT hướng tới sản phẩm xanh

“Cứ mỗi 70 giờ, chúng ta lại có đủ số rác thải để xây nên một tháp Eiffel", người phát ngôn của Greenpeace (tổ chức Hòa Bình Xanh) cho biết. Tệ hơn, có tới 75% số rác này không được kiểm soát và dạt đi khắp thế giới.

"Chiếm tỷ lệ cao trong các sản phẩm phế thải này là những hóa chất độc hại như chì, nhựa PVC, nhựa phtalic... Việc xử lý hoặc lưu trữ chúng không theo đúng quy chuẩn có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và sức khỏe con người". Người của Greenpeace đã cho biết thêm tại triển lãm CeBIT 2008 vừa diễn ra tại Đức. 

Việc công bố các thông tin về môi trường tại sự kiện triển lãm CNTT thường niên lớn nhất thế giới này cũng cho thấy Greenpeace đang đánh giá rác thải của các sản phẩm CNTT cùng các tác hại trong quá trình sử dụng các sản phẩm này đến môi trường thế giới đang đặc biệt nghiêm trọng bởi nhân loại đang thải ra từ 20-50 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm.  

"Công nghệ xanh lên ngôi" cũng là nhận định chung của giới truyền thông toàn cầu về CeBIT 2008. Lý do là vì nhiều sản phẩm được trưng bày tại triển lãm này được thiết kế theo xu hướng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, và đây cũng là các yếu tố chính, là "át chủ bài" để các công ty sản xuất các thiết bị CNTT hàng đầu cạnh tranh với nhau, dành được cảm tình của người dùng toàn cầu.

Tạp chí PC World dẫn lại phát biểu của Yannick Vicaire, chiến lược gia về vấn đề chất độc toàn cầu của Greenpeace: "Còn một chặng đường dài trong tương lai đối với các nhà sản xuất, tuy nhiên, ngày càng có nhiều công ty đã quan tâm đến vấn đề môi trường một cách nghiêm túc." 

Cũng không ngoài mục đích bảo vệ môi trường, Greenpeace đã công bố danh sách xếp hạng 18 nhà sản xuất thiết bị điện tử có sản phẩm tham gia vào cuộc thử nghiệm công nghệ “xanh” ngay tại CeBIT 2008. Theo đó những sản phẩm khác lọt vào top dẫn đầu của nghiên cứu này là các máy tính để bàn HP dc5750, ĐTDĐ đa phương tiện N95 của Nokia, hay điện thoại di động Sony Ericsson T650i và thiết bị hỗ trợ cá nhân PDA Sony Ericsson P1i v.v… 

Trên thực tế, không chỉ các sản phẩm mà Greenpeace đã công bố trong danh sách "Xanh" của họ tại CeBIT 2008, hiện người dùng có thể tìm thấy những dòng sản phẩm CNTT thân thiện với môi trường khác ngay cả tại Việt Nam như máy tính tiền HP Compaq rp5700, HP Compaq dc7800, HP Compaq dc5700, HP Pavilion a6000, Compaq Presario C700, HP Pavilion dv2700, HP Pavilion tx1000, HP Compaq 2510p… Các sản phẩm này đã đạt được giải vàng của Hệ Thống Đánh Giá Mức Độ Thân Thiện Môi Trường của Các Sản Phẩm Điện Tử EPEAT (Electronic Product Environmental Assessment Tool).  

Hệ thống EPEAT được thiết kế để giúp cho người sử dụng phân biệt và đánh giá được mức độ thân thiện với môi trường của các máy tính cá nhân, máy tính xách tay và màn hình máy tính. Mọi sản phẩm đoạt giải của EPEAT đều phải đạt được 23 tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường. Để đạt được tiêu chuẩn Bạc, thiết bị cần phải đạt 50% trong 28 các yêu cầu tùy chọn và nếu đạt được 75% các yêu cầu này, thiết bị sẽ được cấp chuẩn vàng của EPEAT. 

Ở một diễn tiến khác, cũng liên quan đến khía cạnh bảo vệ môi trường, HP đã trở thành 1 trong những nhà sản xuất các sản phẩm CNTT đi đầu trong việc tái sử dụng máy tính. Được khởi động từ năm 1987 giờ đây chương trình này đã được vận hành hiệu quả tại 50 nước và vùng lãnh thổ. Riêng trong năm 2007, HP đã thực hiện sản xuất máy tính mới dựa trên việc tái chế 113,3 triệu kg máy tính cũ, tương đương với 2 lần trọng lượng của tàu Titanic, tăng xấp xỉ 50% so với năm 2006. Công việc này của HP cũng phù hợp với khuyến cáo của Greenpeace, tổ chức này cho rằng, nhà sản xuất phải giảm lượng độc chất trong sản phẩm làm ra, tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế được, nghiên cứu những công nghệ tiết kiệm điện, kéo dài tuổi thọ cho sản phẩm v.v… 

Các sản phẩm xanh hiện không chỉ phục vụ những cá nhân yêu và nhận thức cần phải bảo vệ hành tinh của chúng ta mà nó phải trở thành xu hướng chủ đạo và thống trị thị trường sản xuất các thiết bị CNTT.

PV