Thêm một doanh nghiệp bị khởi kiện do xâm phạm bản quyền phần mềm

(Dân trí) - Ngày 24/6, Liên minh Phần mềm (BSA) đã công bố vụ kiện dân sự đối với Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam do sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Microsoft, là thành viên của BSA.

Đây là doanh nghiệp thứ hai bị khởi kiện ra tòa án dân sự do xâm phạm bản quyền phần mềm sau vụ khởi kiện đầu tiên vào cuối năm 2013. Vụ việc này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh biện pháp dân sự đang được các cơ quan thực thi khuyến khích áp dụng trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), thay cho biện pháp hành chính được áp dụng phổ biến trước đây.

Vào ngày 26/9/2013, lực lượng thanh tra liên ngành bao gồm Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ( BVHTTDL) phối hợp với Phòng 4/ C50, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ công an đã tiến hành thanh tra đột xuất Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam về việc chấp hành các qui định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính, theo Quyết định số 225/QĐ- TTr ngày 20/9/2013 của Chánh thanh tra Bộ VHTTDL.

Sau khi kiểm tra 41 máy tính đang hoạt động tại doanh nghiệp này, tại thời điểm kiểm tra, Công ty chỉ cung cấp được một số ít các phần mềm có bản quyền, còn lại phần lớn là các phần mềm máy tính bất hợp pháp. Trong số các phần mềm bị cài đặt sử dụng trái phép gồm các phần mềm của Microsost, Adobe, Autodesk và Lạc Việt, đều là thành viên của BSA.

Mặc dù đại diện Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam đã ký vào Biên bản thanh tra thừa nhận có hành vi sao chép, sử dụng phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm luật về SHTT; cam kết chấm dứt hành vi vi phạm, có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu và mua bản quyền máy tính hợp pháp phục vụ cho hoạt động của Công ty; nhưng sau đó, doanh nghiệp này đã không hợp tác.

Ông Tarun Sawney tại buổi họp báo.
Ông Tarun Sawney tại buổi họp báo.

Tại họp báo chiều 24/6, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA nhấn mạnh: “Chính phủ VN luôn cam kết ủng hộ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bằng chứng là việc ban hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg, của Thủ tướng chính phủ ngày 31/12/2008, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong việc không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Vì vy, tôi kêu gọi các lãnh đạo, giám đốc công ty, doanh nghiệp chủ động có biện pháp bảo đảm doanh nghiệp mình không sử dụng phần mềm không phép, vì đây sẽ là những người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật nếu bị phát hiện vi phạm.

Tòa án là một biện pháp phổ biến dùng để xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền phần mềm ở các nước khác trong khu vực. Tôi nhận thấy trong hai năm gần đây, Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ để chuyển từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự đối với các vụ việc vi phạm quyền SHTT, trong đó có phần mềm. Tôi tin rằng đây sẽ là một biện pháp xử lý hiệu quả góp phần đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam trong những năm tới’’.

Cũng theo ông Tarun Sawney, tình trạnh xâm phạm bản quyền phần mềm của các doanh nghiệp này đang ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư Việt Nam, làm thất thu thuế cho Nhà nước và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Không chỉ có vậy, dùng phần mềm không có bản quyền còn đặt các doanh nghiệp này trước nhiều rủi ro lớn bị tấn công bởi mã độc mà nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra.

Đề cập đến xu hướng đưa biện pháp dân sự vào xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Về bản chất, Quyền SHTT là quyền công dân, vì thế sử dụngcác biện pháp dân sự sẽ là phù hợp nhất, và chúng ta cũng sẽ phải sử dụng những biện pháp này trong thời gian tới khi VN hội nhập, hình thành bộ máy chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT và Tòa án SHTT.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm