Thẻ tín dụng liên tục "phơi bày”, thanh toán thế nào cho an toàn?

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ việc hacker tung thông tin người dung được cho là đánh cắp từ các hệ thống bán lẻ lớn, trong đó có cả thông tin thẻ tín dụng. Đây thực sự là một cảnh báo để các hệ thống cần được xem lại và cũng là lúc để nhìn nhận một phương thức thanh toán an toàn khác, đó là QR Code.

Liên tiếp các vụ việc

Chỉ một tháng trở lại đây, câu chuyện bảo mật thông tin khách hàng đang nóng trên khắp các mặt báo khi hacker liên tục tung ra thông tin là có được hầu hết cơ sở dữ liệu của các hệ thống bán lẻ lớn.

Điển hình là trường hợp của Thế giới Di động, hacker ở một diễn đàn đã tung lên mạng các thông tin khách hàng được cho là lấy của hệ thống này. Đáng chú ý, trong một bài viết, hacker này còn chụp một bức ảnh về thông tin số thẻ tín dụng, là một phần nằm trong danh sách mà hacker này nói rằng đã chiếm dụng được.

Thẻ tín dụng liên tục "phơi bày”, thanh toán thế nào cho an toàn? - 1

Nhiều nhà bảo mật liền lên tiếng, nếu người dùng có tên trong danh sách bị rò rỉ chứa số thẻ tín dụng thì hãy lập tức khóa thẻ. Một số chuyên gia cũng nói rằng, việc tung dữ liệu rò rỉ ra từ từ như trên thì không biết chừng hacker đã có nhiều dữ liệu trong tay. Tốt nhất là người dùng hãy tự bảo vệ mình.

Liên tiếp sau đó, các hacker lại tung tiếp thông tin được cho là lấy từ hệ thống bán lẻ concung.com và nói rằng đó chỉ là một phần trong những dữ liệu mà hacker có được.

Một nạn nhân mới tiếp theo mà hacker tung dữ liệu là FPT Shop, chuỗi bán lẻ thiết bị di động số 2 tại Việt Nam. Lần này cũng chỉ là một phần nhỏ trong dữ liệu mà hacker đã chiếm được, hacker này còn cho biết, sẽ giao dịch với ai muốn trao đổi hàng hoá hoặc bán với giá tốt.

Trong bài viết, hacker có tên herasvn cung cấp hình ảnh chụp thông tin mùa hàng, xác nhận sử dụng điện thoại kèm theo máy, chứng minh nhân dân, sản phẩm mà khách mua…

Hacker này cũng cho biết đã lưu tất cả dữ liệu mà người này đánh cắp được và đăng tải luôn một công cụ được cho là nhà bán lẻ này cùng mã nguồn chứa thông tin máy chủ…

Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo đối với người dùng và các hệ thống bán lẻ. Nếu như vụ việc rò rỉ thông tin mà hacker vừa qua cho biết đã có trong tay thông tin thẻ của khách hàng thì việc bị mất tiền là điều có thể xảy ra ngay lập tức. Những khách hàng bị rò rỉ thông tin thẻ buộc lòng phải khóa thẻ thông qua ngân hàng.

Cần nghĩ đến hình thức thanh toán mới

Sau sự việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ đã đến lúc để nhìn nhận rõ bản chất sự việc và tìm đến một hình thức thanh toán an toàn hơn. Nổi lên có cái tên QR Code, một hình thức thanh toán đang là xu hướng của tương lai.

QR Code thực chất là là một mã xác thực QR Code, là một dạng mã phản hồi nhanh/mã vạch ma trận đang rất phổ biến tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. QR Code được đánh giá cao hơn với khả năng bảo mật tuyệt đối hơn so với thông tin thẻ tín dụng của người dùng.

Cụ thểm một mã QR Code được định danh cá nhân 100% giữa thẻ tín dụng, thông tin tài khoản và số điện thoại của người dùng. Cứ mỗi lần thanh toán, nó sẽ tạo ra một mã QR và chỉ sử dụng một lần. Điều này giúp cho nó an toàn hơn đáng kể và việc ăn cắp thông tin cá nhân để giao dịch rất khó xảy ra.

Ông Nguyễn Thành Hưng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM vừa qua cũng cho biết, QR Code sẽ là xu hướng và giúp cho khâu thanh toán được thực hiện an toàn hơn.

QR Code đang phổ biến ở nhiều quốc gia
QR Code đang phổ biến ở nhiều quốc gia

Nếu nửa đầu năm 2017, hình thức thanh toán bằng QR Code còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, thì đến năm 2018 nó đã phát triển bùng nổ và ngày càng phổ biến với người dùng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 18 ngân hàng đã tích hợp hình thức thanh toán này vào các ứng dụng Mobile Banking của mình, đặc biệt là các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VIB, Maritime Bank, Sacombank và TPBank…Và đáng chú ý đó là sự kết hợp giữa VNPay và TPBank, khi 2 đơn vị này đã đạt được thỏa thuận liên kết với nhau, giúp cho khoảng 8 triệu khách hàng có thể liên thông thanh toán bằng QR Code trên toàn quốc vào tháng 7/2018 vừa qua.

Song song với các ngân hàng, các đơn vị về trung gian thanh toán như ví điện tử Momo, Payoo… hay các cổng thanh toán như VNPay, mPOS cũng đang ngày càng mở rộng hình thức thanh toán này cung cấp đến các cửa hàng cũng như khách hàng.

Với sự tiện lợi khi có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi chỉ bằng smartphone, thêm vào đó việc thanh toán diễn ra nhanh chóng, hình thức thanh toán đơn giản khi người dùng chỉ cần bật camera điện thoại lên và quét vào mã QR Code…là một trong những yếu tố để tính năng thanh toán bằng QR Code phát triển nhanh trong thời gian qua.

QR Code sẽ giúp an toàn hơn
QR Code sẽ giúp an toàn hơn

Thêm vào đó hình thức thanh toán này cũng theo kịp xu hướng thời đại khi đẩy mạnh việc giao dịch không dùng tiền mặt, cùng với đó là đảm bảo các yêu cầu cao về bảo mật, đã khiến cho nó đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Nếu như nửa cuối năm 2017 theo số liệu của VISA chia sẻ, mới chỉ có 8000 cửa hàng và website Thương mại Điện tử dùng hình thức này để thanh toán, thì con số qua năm 2018 đã lên tới hàng chục ngàn. Và theo các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán QR Code, dự kiến con số sẽ lên đến 50.000 cửa hàng và website vào cuối năm 2018.

Điển hình là hàng loạt hệ thống bán lẻ lớn ở rất nhiều các lĩnh vực trong nước đã áp dụng như hệ thống các siêu thị hàng tiêu dùng như FamilyMart, Satra, Lotte Mart, Aeon, Media Mart ….các cửa hàng kinh doanh mặt hàng công nghệ lớn như Phong Vũ, Nguyễn Kim, sắp tới là FPT Shop; Các điểm dịch vụ ăn uống như Phúc Long, hay sắp tới ở lĩnh vực giải trí là rạp chiếu phim CGV cũng sẽ đưa thanh toán bằng QR Code vào hoạt động.

Sở dĩ hình thức thanh toán QR Code đang được các hệ thống bán lẻ, website thương mại điện tử ngày càng đưa vào áp dụng phổ biến là do doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu, có thể dễ dàng triển khai đại trà, nhanh chóng với chi phí thấp và ứng dụng rất đa dạng trong đời sống như thanh toán tại quầy, trên hóa đơn, trên website, Facebook, catalogue, tờ rơi, biển quảng cáo…

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán, với việc hình thức thanh toán này đang ngày càng phổ biến và nhiều đơn vị cung cấp như trên, dự kiến trong năm 2019 tới nó sẽ được ứng dụng đại trà trong đời sống và người dùng sẽ sử dụng ngày càng nhiều hơn, bởi lúc đó khi ra đường họ chỉ cần cầm theo chiếc smartphone có tích hợp ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng hay các bên trung gian thanh toán là đủ.

Việc thúc đẩy nhanh hình thức thanh toán này sẽ là động lực phát triển cho cả nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam, qua đó cũng bảo vệ khách hàng trước nạn rò rỉ thông tin vừa qua.

Gia Hưng