Thận trọng khi mua màn hình LCD cũ!

Màn hình LCD cũ với những tính năng ưu việt, như nhỏ gọn, thời trang... và đặc biệt, giá cả dễ chấp nhận khiến nó đang trở thành tầm ngắm của nhiều người, nhưng hãy coi chừng...

Chỉ với khoảng 100 USD trở lên, bạn đã có thể có ngay một màn hình LCD second-hand ngon lành nếu biết cách mua. Tuy nhiên, chuyện mua hàng cũ thì chẳng bao giờ dễ dàng cả nếu không nói là bạn phải trông chờ vào may mắn.

 

Khi đi mua hàng cũ, điều người tiêu dùng quan tâm đầu tiên thường là thương hiệu và hình thức bên ngoài. Bạn sẽ chọn cái nào trong một loạt màn hình của các hãng nổi tiếng quen thuộc và những cái tên không quen khác? Những tên tuổi nổi tiếng như: HP, IBM, Dell, Nec, Samsung, Hitachi... vẫn luôn được quan tâm cho dù đó là màn hình cũ. Thế nhưng sự thật làm giật mình nhiều người, hầu hết màn hình LCD cũ đều đã được người bán “can thiệp” chút ít để... dễ bán hơn. Từ một màn hình cũ, lem luốc và không cần biết xuất xứ cũng như nhà sản xuất, sau khoảng 30 phút sẽ được hô biến thành một màn hình mới tinh mang một thương hiệu nổi tiếng. Nói tóm lại, khi đi mua màn hình LCD cũ bạn không nên để chuyện thương hiệu ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của mình.

 

Công nghệ LCD vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta nên bạn có thể yên tâm về việc người bán hàng rất khó có thể can thiệp sâu vào phần cứng. Vấn đề còn lại chỉ là đôi mắt của bạn để lựa chọn màn hình tốt nhất mà thôi. Việc quan trọng đầu tiên khi xem xét hoạt động của một màn hình LCD bất kỳ là màu sắc hiển thị của nó như thế nào. Bạn nên thay đổi nhiều hình desktop khác nhau và quan sát kỹ ở từng vị trí để xem màu sắc có được hiển thị tốt và hài hòa hay không. Chú ý: thường các màn hình cũ đều có đèn cao áp chiếu từ phía dưới lên nên phần dưới màn hình sáng hơn phần trên. Tiếp theo, bạn phải để ý nét chữ xuất hiện trên màn hình. Nếu các nét chữ rõ ràng và sắc nét là tốt, còn nếu bị nhòe, khi nhìn dễ bị nhức mắt thì bạn nên đổi ngay cái khác, không nên tiếp tục thử nữa.

 

Vấn đề tiếp theo mà bạn cần để ý kỹ là thời gian đáp ứng - thời gian chuyển đổi từ màu trắng thành màu đen và trở lại màu trắng - của màn hình. Những màn hình mới nhất hiện nay có thể cho thời gian đáp ứng lên đến hai phần nghìn giây, nhưng đối với các màn hình cũ thường khá chậm, khoảng 12 phần nghìn giây trở lên. Do đó, bạn nên lựa chọn màn hình nào có thời gian đáp ứng càng nhanh càng tốt. Bạn có thể thử bằng cách chiếu một đoạn video và theo dõi sự chuyển đổi giữa các hình ảnh. Nếu thấy hình bị giật nhiều thì thời gian đáp ứng của màn hình đó là khá chậm.

 

Màn hình LCD còn có một đặc điểm nữa mà bạn cần phải xem xét là góc nhìn. Đối với màn hình CRT truyền thống, bạn có thể nhìn rõ hình ảnh trên màn hình từ mọi góc độ nhưng với LCD lại không như vậy. Góc nhìn trong màn hình LCD là khá hạn hẹp. Các màn hình cũ lại càng hẹp hơn vì vào thời điểm nó được sản xuất, công nghệ lúc bấy giờ vẫn chưa khắc phục được các nhược điểm này. Do đó, bạn hãy thay đổi các góc nhìn khác nhau khi xem hình ảnh trên màn hình. Hãy chọn màn hình nào có góc nhìn càng rộng càng tốt.

 

Khi đi mua màn hình cũ, hẳn bạn đã được nghe nhắc nhiều đến điểm chết. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà bạn có thể kiểm tra một cách dễ dàng. Bạn chỉ việc thay đổi màn hình desktop thành màu trắng và màu đen, quan sát kỹ để tìm các điểm chết tối (màu đỏ) và điểm chết sáng (màu trắng). Nếu số lượng điểm chết nhỏ hơn ba thì hoàn toàn chấp nhận được vì đây là sai số cho phép trong sản xuất màn hình LCD. Còn nếu nhiều hơn và ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thì bạn không nên mua để tránh rước của nợ.

 

Trong khi xem xét màn hình định mua, hãy tìm ngày sản xuất của màn hình đó (thường ở phía sau màn hình). Ngày sản xuất càng gần với hiện tại càng tốt. Theo thống kê kỹ thuật, một màn hình LCD có tuổi thọ trung bình khoảng sáu năm nếu hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, các màn hình cũ đều đã được sản xuất khá lâu. Do vậy, nếu chẳng may bạn chọn phải màn hình được sản xuất năm 2000, biết đâu về dùng được vài tháng thì hư, coi như đem tiền đổ sông đổ biển.

 

Theo Đức Thiên

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm