Tàu thăm dò châu Âu hạ cánh thành công lên bề mặt sao chổi
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, một tàu thăm dò hạ cánh thành công trên sao chổi, mở ra chương mới cho quá trình khám phá Hệ Mặt trời và vũ trụ.
Theo đó, tàu thăm dò trên thực chất là một robot mang tên Philae (tên một ngôi đền) và tách ra từ tàu mẹ Rosetta. Philae là tàu thăm dò thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nặng 220 pound (gần 100 kg) nhưng được xem như “không có trọng lượng” trên sao chổi.
Theo ghi nhận, Philae đã đổ bộ thành công xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào khoảng 16 giờ 05 phút giờ GMT hôm thứ Năm vừa qua (tức 23 giờ 05 giờ Việt Nam), sau 7 giờ tách khỏi tàu mẹ Rosetta. Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh đáp lên này của ESA, tàu Rosetta (có trị giá 1 tỷ Bảng Anh) đã phải trải qua hành trình 6,4 tỉ km, bay trong vòng 10 năm trước khi hòa vào quỹ đạo sao chổi vào tháng 8 vừa qua.
"Đó là một bước tiến lớn cho nền văn minh của con người", Tổng giám đốc ESA Jean-Jacques Dordain phấn khích nói.
Tuy nhiên khi hạ cánh lên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko bằng hình thức rơi tự do, Philae đã gặp trục trặc nhất định khi thiết bị neo đậu không thể hoạt động như dự kiến (chỉ bám được hai trong số ba đôi chân vào bề mặt sao chổi), khiến tàu thăm dò có thể bật ngược trở ra không gian trong tương lai.
“Tàu thăm dò Philae có thể bị đẩy trở lại trong không gian và chúng tôi có thể sẽ phải chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lần thứ hai”, Stefan Ulamec, người phụ trách robot tại Trung tâm Không gian vũ trụ Đức DLR cho biết.
Thế nhưng khi chạm vào sao chổi, Philae cũng đã “kịp” gửi về Trái đất khá nhiều hình ảnh chụp bề mặt sao chổi. Các nhà khoa học cũng cho biết ngoài sự cố trên, mọi thứ trên tàu thăm dò hoạt động bình thường.
“Đừng đặt trọng tâm vào những thất bại của hệ thống mà hãy xem những hình ảnh tuyệt đẹp mà nó (tàu thăm dò) mang lại”, nhà khoa học Jean-Pierre Biebring nói.
Các nhà khoa học hi vọng rằng các mẫu khoan mà tàu thăm dò thu thập được trên sao chổi sẽ là tư liệu vô cùng quý giá, là chìa khóa mở ra cánh cửa bí mật về các hành tinh, Hệ Mặt trời, thậm chí là sự sống trong vũ trụ.
Lâm Anh