Tắt sóng 2G: Nhà mạng, hệ thống bán lẻ cùng chung tay hỗ trợ người dân
(Dân trí) - Việc dừng công nghệ 2G đã lỗi thời sẽ giúp người dân tham gia vào công dân số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ, các nhà mạng tạo mọi điều kiện để mọi người dân đều được sử dụng công nghệ mới. Các vấn đề liên quan được nêu tại Tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?" diễn ra vào chiều 18/7, do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và báo Vietnamnet tổ chức.
Theo đó, người dân sẽ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G/5G với chất lượng cao hơn; góp phần hoàn thành mục tiêu "Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh", phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam của Chính phủ.
Trong khi đối với doanh nghiệp sẽ loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác và góp phần phát triển công nghệ xanh. Thực tế, công nghệ 2G gây tốn điện, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh bền vững.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử bày tỏ: "Tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu mang lại lợi ích cho cả nhà mạng, nhà nước và người dân.
Việc tắt sóng 2G ở Việt Nam không chỉ là việc riêng của nhà mạng, mà có phần trách nhiệm của nhà nước và người dân. Tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn, giải phóng chi phí bảo trì bảo dưỡng".
Khi sóng 2G dừng hoạt động, các loại máy "cục gạch" 2G sẽ không thể sử dụng, đặt câu hỏi người dân có phải chuyển sang các dòng điện thoại thông minh (smartphone).
Chung sức đồng lòng hỗ trợ người dân
Các đại lý bán lẻ tại Việt Nam sau khi nhận được thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông về kế hoạch tắt sóng 2G đã chủ động kết nối với các nhà mạng để đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Theo đó, các hệ thống bán lẻ như Thế giới di động, Hoàng Hà Mobile đã chủ động đưa vào kinh doanh các dòng điện thoại hỗ trợ công nghệ 4G với mức giá từ 390.000 đến 1.500.000VNĐ, ưu đãi thay SIM miễn phí hay tặng thêm Data...
Ở phân khúc điện thoại thông minh bình dân, người dân chuyển đổi lên dòng điện thoại này cũng sẽ có lựa chọn trong tầm giá 1,9-5 triệu đồng với nhiều chính sách trả góp, thậm chí không cần trả trước.
Trong khi nhiều nhà mạng đã chủ động tắt các trạm 2G, nhất là các trạm có lưu lượng thấp, cũng như dần ngừng cung cấp dịch vụ mới đến bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G only. Điều này giúp số lượng thuê bao 2G giảm dần so với các năm, thuê bao mới 2G hòa mạng không còn.
Đi cùng với chủ trương tắt sóng 2G, nhiều nhà mạng cũng đã đưa ra những chính sách hỗ trợ rất mạnh như giảm giá máy 4G từ 30-50%, tổ chức bán hàng lưu động đến tận cấp xã hay dựng lên những điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7...
Mọi người dân đều có cơ hội sử dụng công nghệ mới
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số. Những đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn, thị trấn, thị xã, tiếp nhận thông tin đầy đủ và tương đối sẵn sàng chuyển sang smartphone.
Tuy nhiên, vị đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn nhìn nhận, những người vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người già, trẻ em, những người không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như lớp trẻ, công tác truyền thông của nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thuộc Bộ cần được tăng cường.
Trong thời gian tới để cung cấp thông tin đầy đủ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất, đề nghị doanh nghiệp truyền thông bằng các phương tiện mạnh mẽ hơn, trao đổi kinh nghiệm với nhau để cùng truyền thông đến tập khách hàng từ nay đến ngày 15/9, để có thông tin đầy đủ.
Trước một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo.
Bộ đã làm việc với Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất với UBND sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ. Một số tỉnh đã triển khai nội dung này.
Hiện Bộ TT&TT sẵn sàng về mặt tài nguyên cho các nhà mạng trong việc cấp phép lại băng tần 900MHz, 1.800MHz, 2.100 MHz vào tháng 9 với điều kiện nghiêm khắc: Nếu nhà mạng còn thuê bao 2G trên mạng, không có kế hoạch cụ thể dừng hết thuê bao 2G thì không được cấp phép.
Các nhà mạng đang thực hiện quyết liệt việc đầu tư nâng cấp mạng lưới 4G, có chất lượng, đảm bảo vùng phủ cho người sử dụng. Các cam kết của nhà mạng về chất lượng dịch vụ, về mặt kỹ thuật, kinh doanh, phối hợp với các kênh chuỗi bán hàng, cung cấp dịch vụ đầu cuối... sẽ đảm bảo tính sẵn sàng cho người sử dụng mong muốn chuyển đổi.
"Về mặt tác động, với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông có công nghệ tiên tiến, sẵn sàng đáp ứng dịch vụ của các bộ, ngành khác, người sử dụng trên toàn quốc mong muốn chuyển đổi sang xã hội số, kinh tế số. Viễn thông luôn là hạ tầng đi trước, đảm bảo sẵn sàng cho các dịch vụ.
Từ góc độ quản lý nhà nước, mục tiêu của Bộ TT&TT là cùng Chính phủ xây dựng xã hội số, Chính phủ số, đưa người dân lên môi trường mạng.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của người sử dụng, doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách và cam kết tiếp tục truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cơ quan báo đài, phương tiện thông tin cơ sở để chung tay cùng các doanh nghiệp truyền thông việc này đến người sử dụng", ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Đại diện bộ Thông tin và Truyền thông mong các doanh nghiệp tiếp tục dành nguồn lực xứng đáng để truyền thông chính sách, xây dựng mạng lưới đảm bảo cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi công nghệ 2G sang 4G, đảm bảo thuê bao của mình có cơ hội sử dụng công nghệ mới.