1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tấn công mạng vào Việt Nam giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái

(Dân trí) - Thống kê 6 tháng đầu năm ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam đã có chiều hướng giảm, cho thấy tình hình đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã chuyển biến tốt. Đặc biệt, các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và TP.HCM thời gian vừa qua đã thể hiện hiệu quả nhất định.

Tấn công mạng vào Việt Nam giảm

Tấn công mạng vào Việt Nam giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái - 1

Theo ghi nhận của bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại Việt Nam đã xảy ra 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, giảm 2.684 cuộc (tương đương 45,9%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware), 1.556 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing).

Theo dự thảo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU ngày 27/3/2018, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (so với năm 2017 là 100), được xếp vào nhóm 1 trên 3 nhóm (là nhóm có độ cam kết cao). Trong khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38. Trong khu vực Đông Nam Á, VIệt Nam đứng thứ 5/11 (so với năm 2017 là 9/11).

Có được những thành công này là do Bộ TT&TT trong thời gian qua đã liên tục nghiên cứu, khai thác và vận hành tối ưu hệ thống giám sát an toàn mạng quốc gia để theo dõi, phát hiện nhiều đợt tấn công trên các hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, chủ trương của Bộ TT&TT đó là từng bước chủ động trong áp dụng công nghệ, hạn chế sự phụ thuộc vào các giải pháp của nước ngoài.

Trong công tác hợp tác quốc tế, Bộ đã chỉ đạo ký 3 thoả thuận hợp tác song phương với Tổng cục CNTT, Bộ Bưu chính, Viễn thông Campuchia, với LaoCERT, Bộ Bưu chính Viễn thông Lào, và Cơ quan chiến lược & sẵn sàng ứng phó sự cố an toàn thông tin Nhật Bản (NISC).

Một trong những điểm nhấn quan trọng là xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh mạng ASEAN (ASEAN Cybersecurity) tại Việt Nam, nhằm giúp các nước chưa phát triển mạnh về CNTT như Lào, Campuchia,... có một chỗ dựa vững chắc để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia. Bên cạnh đó, điều này còn góp phần giúp việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia được bảo mật và phòng chống việc đánh cắp dữ liệu, xử lý vùng bị tấn công một cách nhanh nhất, tránh lây lan trên diện rộng.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã hoàn thành Đề án tổ chức lại Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam phục vụ việc sửa đổi nghị định số 17/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đề án hiện đã được gửi đi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Hạ tầng CNTT được đẩy mạnh

Tấn công mạng vào Việt Nam giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái - 2

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, thì việc ứng dụng cơ sở hạ tầng CNTT, xây dựng nền công nghiệp ICT cũng đang từng bước ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận 32.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT, với hơn 1,3 triệu lao động trên cả nước.

Doanh thu ước tính thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2019 của lĩnh vực ICT đạt 48,8 tỷ USD, bằng 108,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 46 tỷ USD, nộp ngân sách 25 nghìn tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT tích cực triển khai các đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, nhằm đánh giá hiện trạng ngành công nghiệp nội dung số Việt nam, xác định mô hình phát triển hệ sinh thái nội dung số phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đặc biệt quan tâm xây dựng, triển khai dựa trên quyết định của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm định hướng đầu tư, phát triển công nghiệp ICT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.

Nguyễn Nguyễn