Tấn công mạng nhắm vào Việt Nam tăng 44%

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Theo số liệu từ Cục An toàn Thông tin, trong 11 tháng đầu năm, có tới 11.213 cuộc tấn công mạng hướng vào Việt Nam. Con số này tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tấn công mạng nhắm vào Việt Nam tăng 44% - 1

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi chung tay đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm phục vụ an toàn, an ninh mạng (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Sáng nay 24/11 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022. Đây là sự kiện nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2022 tại Việt Nam, được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết trong năm nay, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã điều phối ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật; 1342 trang web lừa đảo trực tuyến; 986 trang web, blog vi phạm pháp luật. Bảo vệ gần 4 triệu người dân, tương đương 6% người dùng trên internet không truy cập website lừa đảo.

Cùng với đó là xử lý 76 website phát tán mã độc; chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển mạng Botnet. Việt Nam cũng ghi nhận chỉ số an toàn, an ninh mạng xếp thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2019.

Tấn công mạng nhắm vào Việt Nam tăng 44% - 2

Tấn công mạng nhắm vào Việt Nam tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Dẫu vậy, bên cạnh những điểm sáng đó, thì các mối đe dọa về an toàn thông tin, an ninh mạng vẫn còn hiện hữu.

Cụ thể, theo số liệu từ Cục An toàn Thông tin, trong 11 tháng đầu năm, có tới 11.213 cuộc tấn công mạng hướng vào Việt Nam. Con số này tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể trong đó, có 3.930 cuộc tấn công giả mạo (phishing), 1.524 cuộc tấn công thay đổi nội dung (deface), 5.759 cuộc tấn công phần mềm độc hại (malware).

Ngoài ra, năm nay cũng ghi nhận hình thức lừa đảo phổ biến là giả mạo thương hiệu gia tăng đột biến, chiếm 72,6% tổng số. Các hình thức lừa đảo khác bao gồm giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4%), hình thức khác như lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay… (16%).

Ngoài ra, vấn đề về nhân lực an toàn, an ninh mạng cũng được xem là một vấn đề nhức nhối, khi có khoảng 76% tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa có đủ nhân lực để đáp ứng cấp độ an toàn thông tin theo yêu cầu.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh Bộ TT&TT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong tiến trình này, đồng thời kêu gọi các Hiệp hội, các doanh nghiệp, cộng đồng an toàn an ninh mạng cùng chung tay đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm phục vụ an toàn, an ninh mạng.

Tấn công mạng nhắm vào Việt Nam tăng 44% - 3

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cũng hy vọng Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 sẽ chung tay, góp phần tìm ra những lời giải hiệu quả cho các vấn đề an ninh, an toàn không gian mạng đang vô cùng nhức nhối hiện nay.

Được biết trong thời gian sắp tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục duy trì bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng theo nguyên tắc "thực sao ảo vậy", tức là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời sống thực thì cũng có trách nhiệm quản lý các nội dung trên không gian mạng.

Thông qua những hành động thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn, an ninh mạng trong thời gian gần đây, Bộ TT&TT hy vọng mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm sẽ có thêm nhận thức và hành trang để từ đó tự tin thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn, an toàn hơn.