Tại sao nhiều start-up công nghệ danh tiếng có lãnh đạo sinh năm 1981 đến 1984?
(Dân trí) - Khảo sát cho thấy đàn ông ở độ tuổi 33-36 đang rất thành công trong lĩnh vực công nghệ với vai trò là người lãnh đạo. Vậy nguyên nhân là do đâu, hay chỉ là sự trùng hợp đầy ngẫu nhiên?
Việc sở hữu trong tay một công ty trị giá hàng tỉ USD không phải là điểm chung duy nhất của những người sáng lập ra Reddit, Quora, Dropbox, Venmo, Airbnb, Instagram, Pinterest hay Facebook.
Trong một phân tích của Business Insider, tờ báo này chỉ ra rằng có tổng cộng 17 nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu ở Mỹ là đàn ông, và nằm trong độ tuổi từ 33 đến 36, tức sinh ra trong 3 năm từ 1981 đến 1984.
Câu hỏi được các nhà phân tích đặt ra là tại sao có tới 7 người nằm trong danh sách top 10 tỷ phú sở hữu các công ty unicorn (tạm dịch là startup kỳ lân - là những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) hàng đầu tại Thung lũng Silicon, cũng đồng thời là những người bạn học trong cùng trường trung học, và có độ tuổi đồng trang lứa. Rõ ràng "sự trùng hợp" không phải là câu trả lời phù hợp cho trường hợp đầy hy hữu này.
Trở lại những năm đầu của thập niên 70, thời điểm được đánh giá là có tác động trực tiếp tới ngành công nghiệp máy tính, nơi mà Bill Gates và Steve Jobs đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự thành công của Thung lũng Silicon ngày nay.
Khi máy tính cá nhân đầu tiên được ra mắt vào năm 1975, nghề lập trình viên bắt đầu có chỗ đứng. Họ bước chân vào lĩnh vực công nghệ, chạy đua vào các công ty lớn như Microsoft, IBM, hay Apple, nhưng đây lại là giai đoạn quá sớm cho sự thành công vượt bậc sau này.
Trong một cuốn sách có tựa đề "Outliers" (Ngoại lệ), tác giả Malcolm Gladwell chú thích về việc "đến vào đúng thời điểm". Theo ông, thế hệ đầu 8X được "ban phước" khi rơi vào đúng thời điểm vàng của ngành công nghiệp máy tính. Nếu sinh ra sớm hơn, họ đã chạy đua vào các công ty lớn và mất đi cơ hội khởi nghiệp. Còn nếu sinh muộn hơn từ sau kỷ nguyên của Windows, nghĩa là họ đã bỏ lỡ "thời điểm vàng".
Điều quan trọng mà Gladwell đề cập đến, đó là thế hệ đầu 8X được sinh ra vào đúng giai đoạn bùng nổ của PC, có nghĩa là họ là những đứa trẻ đầu tiên trên thế giới được tiếp cận với máy tính ngay tại nhà của mình.
"Trong khi những người lớn hơn sử dụng máy tính đơn thuần để làm việc, thì "thế hệ vàng" dùng chúng để phát huy tối đa khả năng sáng tạo từ khi còn là một đứa trẻ."
Vào năm 1981, một chiếc máy tính trung bình có giá từ 1.565 USD, tức tương đương hơn 4.000 USD theo mệnh giá được quy đổi vào năm 2016. Còn máy tính Macintosh của Apple thậm chí lên tới 2.495 USD (tương đương gần 5.700 USD hiện nay).
Điều này khiến cho bất cứ ai muốn sở hữu máy tính PC vào thời điểm bấy giờ đều thuộc những gia đình khá giả, có điều kiện tài chính vững chắc, và họ chấp nhận bỏ ra một gia tài khổng lồ cho một thiết bị mà những ứng dụng của nó chưa thực sự hữu ích cho cuộc sống.
Sam Altman, chủ tịch 32 tuổi của Y Combinator - người sở hữu startup có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Thung lũng Silicon - cho biết hồi còn sống tại St.Louis, ông đã được dùng một chiếc máy tính Mac LC thế hệ II tại nhà. Đây là điều mà không một người bạn đồng trang lứa nào của ông - những đứa trẻ có gia đình hạn hẹp về kinh tế - có thể làm được.
Bản thân Mark Zuckerberg - tỷ phú sinh năm 1984 - từng thừa nhận thành công của ông với Facebook là do may mắn. “Bạn không thành công đến mức này chỉ bằng cách làm việc chăm chỉ hay có một ý tưởng hay”, Zuckerberg nói. “Bạn phải cực kỳ may mắn trong xã hội ngày nay để điều đó xảy ra. Và tôi nghĩ, may mắn đóng vai trò quan trọng”.
Khi sự kiện "bong bóng Dot-com" xảy đến vào những năm của thập niên 90 cùng với sự bùng nổ của Internet, thì những đứa trẻ sinh năm 80 cũng đang ở độ tuổi lý tưởng để đón nhận sự chuyển dịch cách mạng trong lĩnh vực công nghệ.
Cũng vào thời điểm ấy thì khái niệm "geek" (tiếng lóng bắt nguồn từ "geck" có nghĩa là "khùng" hoặc "khác thường") ra đời, nhằm để chỉ những gã lập trình viên máy tính có vẻ ngoài khá lập dị, quần áo tóc tai khác người, chỉ biết nói chuyện về máy tính và đặc biết có thể xử lý mọi vấn đề của máy tính.
Tuy nhiên theo nhà tư vấn Tim Bajarin, thì chính thế hệ "geek" non trẻ vào những năm đầu thập niên 80 đã viết nên lịch sử, bằng cách đi đầu cho những xu thế công nghệ và gặt hái được thành công trong giai đoạn ngày nay.
Những đứa trẻ nhà giàu, được tiếp xúc với máy tính lúc bấy giờ được ví như những người "ngồi hàng ghế đầu" trong giai đoạn bùng nổ Internet, và may mắn là một phần trong cuộc chuyển giao lịch sử. Theo sau đó, hàng loạt người trẻ lúc quyết định tìm hướng đi riêng bằng cách mở công ty (sau này gọi là startup), và không ít trong số họ đã thu được thành công rực rỡ.
Như vậy có thể tổng kết lại, sự thành công của hàng loạt CEO sinh năm 1981 - 1984 là hoàn toàn có nguyên nhân và cơ sở rõ ràng. Họ là những con người tài năng, may mắn, được sinh ra vào đúng thời điểm, và biết cách tận dụng triệt để "cơ hội vàng" để trở thành những doanh nhân thành đạt, những tỷ phú danh tiếng.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI