Tại sao chính phủ Nhật công khai hack vào thiết bị của người dân?
(Dân trí) - Mặc dù có vẻ như Nhật đang vi phạm quyền riêng tư của người dân, song thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Tại một số quốc gia, điển hình như Mỹ, Trung Quốc, việc chính phủ theo dõi, giám sát, hay thậm chí là hack vào thiết bị của người dân luôn bị dư luận lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại Nhật, mọi thứ dường như đều tuân theo một quy chuẩn khác, và việc công khai dữ liệu cũng không phải ngoại lệ.
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã phê duyệt một đạo luật cho phép các chuyên gia an ninh thuộc chính phủ được quyền hack vào những thiết bị thông minh được cho là bảo mật kém của người dân.
Toàn bộ quá trình đột nhập hệ thống sẽ được thực hiện bởi Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông Quốc gia (NICT), và dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ & Truyền thông.
Mặc dù điều này nghe có vẻ như chính phủ Nhật đang vi phạm quyền riêng tư của người dân, song thực tế lại cho thấy điều ngược lại.
Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông Quốc gia Hàn Quốc (NICT).
Ban đầu, những hacker "mũ trắng" này sẽ hack vào thiết bị bằng cách dò mật khẩu dựa trên những thông tin cá nhân của người dùng như tên, năm sinh, địa chỉ, người thân,...
Trong trường hợp phát hiện thấy thiết bị bảo mật yếu hoặc không có bảo mật, đại diện của chính phủ sẽ trực tiếp thông báo cho người dùng về tình trạng trên, đồng thời đưa ra lời khuyên cho họ về cách để bảo mật thiết bị của mình đúng cách.
Một số chuyên gia an ninh tiết lộ nguyên nhân đằng sao hành động này là muốn đảm bảo rằng tin tặc sẽ không thể xâm nhập vào cơ sở hạ tầng an ninh mạng của đất nước trong bối cảnh Nhật Bản sẽ là quốc gia đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2020.
Được biết trong Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 tổ chức tại Hàn Quốc, mặc dù nước chủ nhà đã ráo riết triển khai công tác phòng vệ, nhưng tin tặc Nga vẫn tìm cách hack được vào hệ thống và tung virus mang tên "Olympic Destroyer" (Kẻ hủy diệt Olympic) trước khi các màn thi đấu được bắt đầu.
Chính phủ Nhật rõ ràng là không muốn sự việc này lặp lại. Họ muốn công dân của mình hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề bằng cách đưa cho ra một ví dụ thực tế, thay vì chỉ tuyên truyền "cho có".
Nguyễn Nguyễn