Tại sao càng nắng nóng, điều hoà càng dễ hỏng?
(Dân trí) - Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm với nền nhiệt có nơi trên 40 độ. Trời nắng nóng khiến nguy cơ hỏng hóc của các loại máy lạnh, máy điều hoà tăng cao.
Anh Hiển, một cư dân sống tại chung cư thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội trong mấy ngày nắng nóng than phiền chiếc điều hoà dù mới lắp từ đầu mùa nóng, nhưng chạy không thấy mát, mà chỉ thấy gió thổi từ cục lạnh.
Mặc dù đã điều chỉnh đủ kiểu nhưng không thấy thay đổi, anh Hiển và gia đình bắt đầu lo lắng.
Hỏng điều hoà - “cơn ác mộng” mùa nắng nóng
Để ý ở cục nóng mỗi khi bật điều hoà, anh Hiển thấy không phát ra tiếng ồn như mọi khi. Hỏng điều hoà khiến nhiều hoạt động của gia đình anh bị gián đoạn, đặc biệt là những đứa trẻ nếu không có điều hoà bật buổi tối thì rất khó ngủ.
Mất mấy ngày mới hẹn được thợ điện, anh Hiển “tá hoả” khi được thông báo máy điều hoà bị hỏng lốc (hay còn gọi là block), với chi phí “ngót nghét” 4 triệu đồng, gần bằng 1/3 chi phí của toàn bộ máy điều hoà.
Anh Hiển chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị hỏng điều hoà khi trời chuyển nắng nóng cao điểm tại các tỉnh Bắc Bộ. Tại sao một thiết bị được thiết kế để hoạt động chủ yếu trong mùa nắng nóng, mà khi trời nắng lại dễ gặp sự cố như vậy?
“Trời càng nóng thì điều hòa càng dễ hỏng", một thợ sửa điều hoà lâu năm chia sẻ. "Các dòng điều hòa thông thường chỉ chịu được công suất khi ngoài trời đạt từ 42-45 độ C. Nếu ngoài trời đạt nhiệt độ cao hơn mức đó thì điều hòa sẽ chạy mãi mà không tới được mức nhiệt yêu cầu. Từ đó khiến điều hòa chạy liên tục mà không được nghỉ ngơi, lâu dài sẽ dẫn tới hỏng".
Thế nhưng rất nhiều hộ gia đình, hay các văn phòng vẫn thản nhiên để để nhiệt độ thấp, từ 16-20 độ C, lại bật kéo dài suốt trong nhiều ngày, khiến điều hoà luôn trong tình trạng “gồng mình”, dẫn tới quá tải.
Điều hoà hỏng hóc mùa nắng nóng tạo cơ hội cho các thợ sửa chữa làm việc “không ngừng nghỉ”.
Lốc điều hoà, hay còn gọi là block điều hoà - là bộ phận máy nén điều hoà bên trong hệ thống làm lạnh mà chiếc điều hoà nào cũng có. Bộ phận này có tác dụng hút gas từ dàn lạnh để nén sang dạng lỏng ở dàn nóng.
Khi trời nóng, máy điều hoà phải hoạt động suốt ngày, thậm chí là vài ngày, lốc điều hoà là một trong những bộ phận dễ bị hỏng nhất, sau đó tới dàn nóng do sản sinh ra lượng nhiệt lớn, và ngay cả hệ thống quạt làm mát cũng có thể gặp vấn đề, thậm chí gây ra cháy, chập vi mạch.
Hạn chế hỏng điều hoà, dùng điều hoà thế nào hiệu quả?
Trời nắng nóng, ai cũng mệt mỏi, rệu rã, và ngay cả những thiết bị làm mát cũng vậy. Chúng luôn phải hoạt động “hết công suất” để phục vụ cho gia đình bạn. Do đó, để những “gã hầu cận” này làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta cũng cần cho chúng hoạt động ở một chế độ phù hợp.
Điều quan trọng nhất khi sử dụng điều hoà trong mùa hè đó là nếu trời càng nóng, thì chúng ta càng phải đặt ở mức nhiệt cao. Nếu nhiệt độ lên trên 40 độ C, thậm chúng ta nên điều chỉnh điều hoà ở mức 29, 30 độ.
Mặc dù điều chỉnh như vậy sẽ không tạo cảm giác “mát lạnh”, nhưng thực tế vẫn tốt hơn rất nhiều so với một căn phòng không có điều hoà.
Khi nhiệt độ yêu cầu không chênh lệch quá cao so với môi trường, điều hoà sẽ hoạt động ở công suất vừa phải, có những quãng nghỉ, và cũng sẽ bền lâu hơn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng điều hoà kết hợp cùng các thiết bị làm mát khác như quạt trần, quạt điện, máy phun sương cũng là một điều cần thiết.
Mặc dù điều này khiến chúng ta có cảm giác “tốn gấp 2 lần điện”, nhưng trên thực tế lại là một trong những biện pháp đơn giản để tiết kiệm điện, làm mát hiệu quả, và giảm tần suất hoạt động quá tải của điều hoà.
Nguyễn Nguyễn