Tại sao các “đại gia” công nghệ đặt cược vào thị trường game?

(Dân trí) - Microsoft, Amazon và Facebook trong năm nay đều đã chi một khoản tiền không nhỏ lên tới hàng tỷ USD để đặt cược vào sự phát triển của thị trường thiết bị game video.<br><a href='http://dantri.com.vn/suc-manh-tri-thuc/microsoft-to-chuc-su-kien-ngay-309-windows-9-ra-mat-943998.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Microsoft tổ chức sự kiện ngày 30/9, Windows 9 ra mắt?</b></a>

Thương vụ mới nhất khiến giới công nghệ không khỏi bất ngờ diễn ra hồi đầu tuần này khi Microsoft tuyên bố chi 2,5 tỷ USD để mua lại hãng phần mềm Mojang đến từ Thụy Điển, là cha đẻ của trò chơi nổi tiếng “Minecraft” hiện đang có hơn 100 triệu người chơi.

Trước đó, hồi tháng 8, gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử Amazon cũng đã đồng ý trả 1,1 tỷ USD để mua lại dịch vụ streaming video game trực tuyến, Twitch có trụ sở ở San Francisco. Dịch vụ này dù mới chỉ xuất hiện trong 3 năm nhưng đã thu hút được hơn 55 triệu người xem.

Trong tháng 3, mạng xã hội lớn lớn nhất thế giới Facebook đã chi 2 tỷ USD để mua lại Oculus VR, công ty phát triển kính thực tế ảo đang được quảng cáo sẽ tạo ra những điều thú vị trong lĩnh vực game video.

Thậm chí trong tháng 8 vừa qua, công ty xây dựng đến từ Trung Quốc Zhongji cũng đã nhảy vào thị trường game với việc rót 960 triệu USD để mua lại công ty DianDian Interactive cùng các trò chơi giả lập trang trại trên di động “Family Farm” và “Happy Acres”.

Những thương vụ đình đám này thực sự đã gây sốc với cả những người vẫn thường cho rằng video game là thị trường làm hao tổn ví tiền của các bậc cha mẹ những người chơi game. Tuy nhiên, nhân khẩu học của game video đang ngày càng đa dạng, và tiềm năng. Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính thị trường game video trên toàn cầu đã đạt doanh thu lên tới 93 tỷ USD trong năm ngoái.

Thị trường game video vẫn được xem là mỏ vàng của các ông lớn trong làng công nghệ.

Thị trường game video vẫn được xem là "mỏ vàng" của các ông lớn trong làng công nghệ.

Thị trường game đã có sẵn những cộng đồng người chơi rộng lớn ngang bằng với cả ngành công nghiệp giải trí. Và đó chính là lý do những “đại gia” công nghệ, như Microsoft, Amazon và Facebook đã chi một khoản tiền không nhỏ để gia nhập thị trường này.

“Người dùng đang ngày càng chơi game nhiều hơn tại nhiều địa điểm khác nhau trên nhiều thiết bị khác nhau, và người dùng cũng không ngại ngần bỏ ra nhiều thời gian hơn để sưu tầm thêm nhiều trò chơi”, Michael Frazzini, Phó Chủ tịch bộ phận Amazon Games, nhấn mạnh.

Trò chơi “Minecraft” được nhà sáng lập Markus "Notch" Persson của hãng phần mềm Mojang ra mắt năm 2009, và mỗi năm Mojang đạt doanh thu 350 triệu USD. Đối tượng người chơi của loại game này được khảo sát là từ 10-80 tuổi.

Đối với Microsoft, giới phân tích cho rằng, sau khi mua lại thương hiệu game nổi tiếng này, hãng công nghệ Mỹ có thể sẽ mang tựa game này lên nền tảng di động Windows Phone của hãng. Trước đó Minecraft đã hỗ trợ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả Windows, OS X, Android, iOS... nhưng chưa hỗ trợ Windows Phone.

Microsoft vốn không phải là “tay ngang” trên thị trường game với đầu game Xbox, gã khổng lồ này đã và vẫn tiếp tục “quyết chiến” với đối thủ Sony với game PlayStation để giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường thiết bị chơi game. Mặc dù vậy, doanh số Xbox One thế hệ mới của Microsoft đang đạt doanh số kém hơn so với trò PlayStation 4 của Sony.

Tuy nhiên, với “Minecraft”, Microsoft và CEO Satya Nadella sẽ nhảy vào cộng đồng game trên nhiều hệ sinh thái, và tiếp cận cả hai nền tảng di động Apple iOS và Google Android.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm