Tai nạn tràn dầu đang phá hủy hệ sinh học biển Việt Nam

(Dân trí) - Hệ đa dạng sinh học biển của Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai thác và tác động những vụ tai nạn tàu, thuyền làm tràn dầu trên biển.

Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia đang sở hữu đa dạng sinh học biển, với hơn 20 kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gien phong phú và đặc hữu. Đến nay, Việt Nam đã có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển UNESCO và 6 Khu Ramsar đã được công nhận.

Tuy nhiên, theo nhận định từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tài nguyên đa dạng sinh học biển nước ta đang đứng trước nguy cơ suy thoái rất nghiêm trọng, trong đó hoạt động của con người, hoạt động hàng hải, những tai nạn tràn dầu trên biển…

Tại Hội thảo tham vấn về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia do  Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, TS Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra thông tin: Nhiều vùng ven biển nước ta tập trung rất nhiều tàu và thuyền bè đánh bắt cá, đã có một số trường hợp va chạm, dẫn tới vỡ tàu dầu, đe dọa đến sự tồn tại của nhiều loài thủy sản và san hô vùng biển. 

Ngoài ra, việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt bằng thuốc nổ, bừa bãi, hay các chất thải (do đô thị hóa, công nghiệp hóa, sinh hoạt), sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai và tác động của biến đổi khí hậu cũng là những tác nhân khiến nhiều hệ sinh thái, loài sinh vật và nguồn gien sinh sống dưới biển bị suy giảm nghiêm trọng.

Hoạt động khai thác không được kiểm soát sẽ làm suy giảm mạnh hệ sinh thái biển
Hoạt động khai thác không được kiểm soát sẽ làm suy giảm mạnh hệ sinh thái biển

Bên cạnh đó, vấn đề sinh vật ngoại lại xâm hại cũng cần được quan tâm giải quyết. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 48 loài động vật thủy sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có 14 loài có tác động xấu tới đa dạng sinh học biển và nuôi trồng thủy sản truyền thống, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên.

Trên thực tế, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản, Luật điều chỉnh vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển như: Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cần xây dựng hệ thống các văn bản quy định pháp lý đồng bộ, có sự phân cấp, phân vùng, ranh giới rõ ràng hơn.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm