Sự thật về cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân trên mạng

Thế Anh

(Dân trí) - VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ thông tin "Công an cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân" đang được lan truyền trên mạng.

Chiều 29/8, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) cho biết thông tin "Công an cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân" đang được lan truyền trên mạng là tin giả. Vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cụ thể, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đã chia sẻ thông tin cảnh báo về việc bị mất thông tin tài khoản ngân hàng, điện thoại bị điều khiển từ xa… khi nhận cuộc gọi từ số lạ hỏi về việc tiêm phòng vắc xin.

Sự thật về cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân trên mạng - 1

Nội dung được đề cập trong tin giả.

"Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển", nội dung đề cập trong tin giả.

Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo.

VAFC cũng khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên, khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác. Vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước đó, VAFC cũng bác bỏ nhiều thông tin sai sự thật như xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; cho rằng TPHCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lock down) từ 0 giờ ngày 15/7, dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa; thông tin lãnh đạo Thành phố bị nhiễm Covid-19…

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng.

Ngày 23/7, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng.

Bộ TT&TT nhận định việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video "tự phát" tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

"Nếu không xử lý tốt, sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước", Bộ TT&TT lưu ý.