Sử dụng iPhone bị coi là "đáng xấu hổ" ở Trung Quốc, vì sao vẫn tăng mạnh?

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Việc sử dụng iPhone để đăng ảnh, đăng bài viết lên mạng xã hội bị một bộ phận người dùng lên án ở đất nước tỷ dân. Bất chấp điều này, iPhone vẫn tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc.

Sử dụng iPhone bị coi là đáng xấu hổ ở Trung Quốc, vì sao vẫn tăng mạnh? - 1

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang vô cùng căng thẳng, hình ảnh cộng đồng mạng Trung Quốc bị chia thành hai "phe" là điều không hiếm gặp.

Phong trào "tẩy chay iPhone" xuất phát từ một bộ phận người dùng thẳng thắn lên án, chỉ trích những người dùng iPhone, thậm chí coi đây là hành động không yêu nước, thì số còn lại thấy đây là chuyện hết sức bình thường.

Sự việc này đã tạo nên một cuộc chia rẽ sâu sắc chưa từng có trong lịch sử, khiến các bên liên quan không thể tìm được cách tháo gỡ.

Sử dụng iPhone bị coi là hành động "đáng xấu hổ"

Sử dụng iPhone bị coi là đáng xấu hổ ở Trung Quốc, vì sao vẫn tăng mạnh? - 2

Sam Li, nhân viên tại một công ty viễn thông ở Bắc Kinh cho rằng việc chuyển từ iPhone sang điện thoại Huawei hay Xiaomi được coi là điều hiển nhiên tại nơi anh làm.

"Thật đáng xấu hổ khi rút chiếc iPhone ra khỏi túi lúc này đây", Li cho biết. "Từ các giám đốc điều hành tới nhân viên, mọi người đều sử dụng điện thoại Huawei".

"Chuyển sang Huawei! Hãy ghét những kẻ đạo đức giả đó", một nhà sáng lập công ty thương mại điện tử Trung Quốc kêu gọi trong một bài chia sẻ tin tức trên WeChat.

"Kỷ nguyên của 5G đã đến. Huawei có nhiều công nghệ tiên tiến hơn so với Apple", người đàn ông giấu tên cho biết.

Ngay cả với những diễn viên nổi tiếng, hình ảnh của họ cũng dễ dàng bị đánh mất nếu như trót rơi vào "vòng xoáy" này.

Cách đây ít hôm, Ngô Kinh - diễn viên thuộc tầm cỡ "siêu sao" ở Trung Quốc, được biết đến qua bộ phim Chiến Lang, bị cư dân mạng phát hiện thấy dòng chữ "iPhone 12 Pro Max" xuất hiện trong các bài đăng trên Weibo.

Điều này cho thấy diễn viên này đã sử dụng điện thoại của Apple để đăng tải các bài viết của mình.

Sử dụng iPhone bị coi là đáng xấu hổ ở Trung Quốc, vì sao vẫn tăng mạnh? - 3

Ngô Kinh sử dụng iPhone để đăng tải các bài viết của mình lên Weibo.

Ngay lập tức, một số cư dân mạng Trung Quốc đã nổi giận. Những người này gọi nam diễn viên sinh năm 1974 là "kẻ phản bội Trung Quốc" hay "phản bội các chiến lang".

"Anh không biết xấu hổ sao? Chiếc điện thoại này làm được bao nhiêu viên đạn cho kẻ thù? Người Trung Quốc chúng tôi sẽ không rơi vào trò lừa này", một cư dân mạng lên tiếng chỉ trích.

"Hãy nhanh chóng chuyển sang Huawei, nếu không muốn bị coi là một kẻ yêu nước giả tạo", một người khác viết.

"Tại sao anh không sử dụng Huawei? Anh không muốn làm cho Tổ quốc trở nên mạnh mẽ à?", một người khác hỏi.

Thế nhưng tại sao iPhone vẫn bán chạy ở Trung Quốc?

Sử dụng iPhone bị coi là đáng xấu hổ ở Trung Quốc, vì sao vẫn tăng mạnh? - 4

Tim Cook là bậc thầy về chiếm lĩnh thị trường, bất chấp nhiều khó khăn về mặt chính trị, sắc tộc.

Bất chấp trào lưu "tẩy chay iPhone", Apple vẫn bất ngờ ghi nhận tăng trưởng tốt ở thị trường Trung Quốc. Trong đó iPhone 12 lại chính là yếu tố quan trọng, đóng góp lớn vào doanh số bán hàng trong quý vừa qua.

Theo lời CEO Tim Cook cho biết, iPhone 12 đã ghi nhận "số lượng máy nâng cấp kỷ lục" tại Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ. Còn dữ liệu từ IDC cũng cho biết thị phần trong mảng smartphone của Apple tại Trung Quốc tăng gần 5% trong quý cuối năm, còn Huawei giảm hơn 10%. 

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân dẫn tới điều này là bởi Apple đã vô cùng khéo léo khi lựa chọn đúng thời điểm tháng 10 năm ngoái để ra mắt iPhone 12 với tính năng 5G.

Trước đó, người tiêu dùng sẵn có xu hướng ít nâng cấp điện thoại, do vòng đời của các thiết bị này đã kéo dài hơn, và cũng không có nhiều các tính năng mới hấp dẫn.

Tuy nhiên với việc một chiếc iPhone lần đầu tiên được hỗ trợ 5G đã tạo ra "cơn sốt", và lôi kéo rất nhiều người dùng chi tiền, vì họ đã chờ đợi điều này từ rất lâu.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường Trung Quốc bất ngờ là điểm đến hấp dẫn của iPhone 12, là bởi 5G tại đây phát triển mạnh hơn ở nhiều thị trường khác, khiến người tiêu dùng như có thêm động lực.

Theo một phân tích khác của Gartner, nền kinh tế Trung Quốc cũng có nhiều tín hiệu phục hồi hơn từ sau đại dịch, giúp thị trường này đi trước Tây Âu và Bắc Mỹ, còn người tiêu dùng thì có nhiều tiền mặt hơn để chi tiêu cho các thiết bị mới.

Bằng cách lợi dụng những yếu tố này, Apple đã biến "điều không tưởng" thành "có thể", và từ chỗ "có thể" thành "tăng trưởng mạnh" tại một trong những thị trường quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm