Sử dụng điện thoại, xem tivi trong phòng ngủ có thể gây béo phì
(Dân trí) - Sạc pin điện thoại, sử dụng các thiết bị điện tử hay xem tivi trong trong phòng ngủ vào buổi tối có thể khiến người dùng bị tăng cân, thậm chí có thể béo phì, kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học Tây Ban Nha khiến không ít người phải bất ngờ.
Một nghiên cứu vừa được tiến hành bởi các nhà khoa học của Trường Đại học Granada (thành phố Granada, Tây Ban Nha) đã phát hiện ra ánh sáng từ màn hình điện thoại, đèn đường, màn hình lapop hay tivi có thể ngăn cơ thể con người tạo ra loại hóc môn melatonin, có chức năng chống lại căn bệnh béo phì.
Melatonin, là một hóc môn tự nhiên tồn tại trong hầu hết các loài động vật, bao gồm cả con người, là hóc môn cần thiết để duy trì nhịp sống bình thường của một số chức năng sinh lý, bao gồm cả giấc ngủ và đẩy mạnh quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Tiến hành những thí nghiệm trên chuột bị béo phì, các nhà khoa học nhận thấy rằng những cá thể có sự gia tăng của loại hóc môn này sẽ giúp cho chúng được giảm cân và có thể chống lại bệnh tiểu đường loại 2 (với những cá thể bị béo phì đã bị mắc trước đó). Các nhà khoa học cũng tin rằng hoc môn melatonin cũng có tác dụng tương tự với con người.
Cắm sạc hay sử dụng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe
Theo các nhà khoa học những loại ánh sáng nhân tạo xung quanh môi trường sống của con người có thể làm gián đoạn việc sản sinh hóc môn melatonin và ngăn cản cơ thể tiêu hóa thực phẩm một cách hiệu quả.
Đặc biệt trong đó những ánh sáng màu xanh với bước sóng ngắn, được phát ra bởi một số thiết bị điện tử khi chúng đang được cắm sạc, hay từ màn hình laptop, tivi, là ảnh hưởng lớn nhất đến giấc ngủ và kéo theo sự trao đổi chất của cơ thể.
“Hiện tại nhiều người có thói quen ngủ với đèn ngủ, tivi hay máy tính luôn mở ở bên cạnh..., điều này là không tốt cho cơ thể”, Giáo sư Ahmad Agil trưởng nhóm nghiên cứu của đại học Granada cho biết.
Trước đó đã từng có nhiều nghiên cứu khác của các nhà khoa học cho thấy con người cảm thấy buồn ngủ khi màn đêm buông xuống và lượng hóc môn melatonin tăng lên, tuy nhiên hoc môn này sau đó bị chặn lại khi ánh sáng mặt trời xuất hiện.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Granada sau đó được củng cố bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Manchester (Anh), những người cũng đang nghiên cứu về cách điều chỉnh giấc ngủ để giúp các bệnh nhân bị mắc tiểu đường, một căn bệnh thường liên quan đến béo phì.
Theo Tiến sĩ Simon Kyle, một nhà nghiên cứu giấc ngủ của Đại học Manchester, cho biết hiện có nhiều người sử dụng các thiết bị di động mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong phòng ngủ, điều này khiến tình trạng thiếu ngủ ngày càng tăng và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
“Chúng tôi đang khám phá những ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với con người”, Tiến sĩ Simon Kyle cho biết. “Do vậy nếu bạn ngủ ngắn hơn hoặc bị ảnh hưởng bởi những ánh sáng vào ban đêm không đúng thời điểm có thể ảnh hưởng đến lượng sản sinh melatonin và làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể”.
Tiến sĩ Simon Kyle khuyên mọi người nên tắt smartphone, máy tính bàng và máy tính một vài giờ trước khi đi ngủ để giảm sự ảnh hưởng của ánh sáng nhân tạo đến giấc ngủ.
Đầu năm nay, các nhà khoa học hàng đầu của nhiều trường Đại học, bao gồm Oxford, Cambridge (Anh) và Harvard (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn ung thư, bệnh tim, tiểu đường loại 2 và bệnh béo phì… vì thiếu ngủ làm đảo lộn đến đồng hố sinh học của cơ thể con người.
Trong nghiên cứu này các nhà khoa học cũng cho biết tình trạng thiếu ngủ cũng bị gây ra bởi thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ vào đêm khuya của con người, mà trong đó nguồn ánh sáng xanh từ các thiết bị công nghệ gây ra là ảnh hưởng nhiều nhất.
Các quốc gia đã và đang phát triển trên thế giới đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số người mắc chứng béo phì cũng như bệnh tiểu đường loại 2.
Theo các nhà khoa học sự gia tăng của bệnh béo phì và tiểu đường chủ yếu bởi con người không thích ứng kịp với môi trường sống hiện đại, lối sống ít vận động, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều calo, thực phẩm được chế biến sẵn và tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng nhân tạo… làm cơ thể giảm lượng hóc môn melatonin.
T.Thủy