Steve Jobs quá cố vẫn làm chứng trong vụ kiện nhằm vào Apple
(Dân trí) - Mặc dù đã qua đời cách đây 3 năm, Steve Jobs, vị CEO huyền thoại của Apple, vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong vụ kiến chống độc quyền nhằm vào công ty do ông lãnh đạo trong thời gian còn sống.
Apple sẽ bước vào một vụ kiện chống độc quyền mới nhằm vào mình tại thành phố Oakland (bang California), diễn ra vào ngày 2/11 này.
Vụ kiện chống độc quyền này nhằm chiếc máy nghe nhạc iPod cũ của Apple, khi mà “quả táo” đã sử dụng phần mềm để cho phép chiếc máy nghe nhạc này chỉ có thể chơi được nhạc mua từ iTunes hoặc được nén từ đĩa CD. Nếu người dùng mua nhạc từ các nguồn bán nhạc khác, là những đối thủ của iTunes trên thị trường nhạc trực tuyến, họ sẽ không thể sử dụng iPod để nghe những bản nhạc này.
Đã qua đời 3 năm nhưng Steve Jobs vẫn đóng vai trò quan trọng trong vụ kiện nhằm vào Apple sắp diễn ra
Vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Apple lần đầu tiên được gửi lên tòa án vào tháng 1/2005, với cáo buộc Apple đã sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để chiếc máy iPod chỉ có thể nghe được từ iTunes hoặc đĩa CD.
Trước sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ của các nhà kinh doanh nhạc trực tuyến, Apple sau đó đã phải thay đổi chính sách và mở rộng khả năng tương thích của iPod. Mặc dù đã thay đổi chính sách của mình, nguyên đơn của vụ kiện vẫn cho rằng Apple đã lợi dụng điều này để thổi phồng giá của hàng triệu máy nghe nhạc iPod được bán trong thời gian 2006 đến 2009, tương đương với mức giá 350 triệu USD.
Theo luật chống độc quyền Liên bang, Apple có thể sẽ phải trả gấp 3 lần số tiền đó nếu bồi thẩm đoàn đồng ý với số tiền thiệt hại ước tính và tìm thấy những thiệt hại phát sinh từ hành vi độc quyền của Apple.
Do vụ kiện lần đầu được đưa lên tòa án vào năm 2005 nên dĩ nhiên, Steve Jobs, CEO của Apple vào thời điểm đó, là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong vụ kiện. Và sau gần 10 năm khi vụ kiện vẫn chưa chấm dứt, Steve Jobs, người đã qua đời năm 2011, vẫn là một nhân chứng quan trọng trong vụ xử sắp được diễn ra.
Để chứng minh sai phạm của Apple, bồi thẩm đoàn dự kiến sẽ sử dụng các email nội bộ của Steve Jobs trong thời gian ông còn sống như một bằng chứng trong vụ kiện này, cùng với những đoạn video ghi lại lời khai của Steve Jobs trong thời gian vụ kiện được điều tra. Điều này có thể khiến Apple phải cảm thấy lo lắng, nhất là khi Steve Jobs nổi tiếng với những lời lẽ đe dọa và không kiềm chế trong những email của ông.
“Chúng tôi sẽ đưa ra các bằng chứng để chứng minh rằng Apple đã hành động để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh của mình và điều đó đã khiến cho đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng đã bị tổn hại”, Bonny Sweeney, Luật sư của nguyên đơn trong vụ kiện cho biết,
Trước đó, những email của Steve Jobs cũng đã từng được sử dụng để chống lại Apple trong 2 vụ kiện chống độc quyền nhằm vào “quả táo” trong quá khứ.
Một vài email dự kiến được sử dụng trong vụ kiện đã được công khai trước đó, bao gồm một email năm 2003, khi Steve Jobs chỉ đạo các giám đốc khác của Apple phải đảm bảo rằng Musicmatch, một kho nhạc trực tuyến đối thủ của Apple không thể hoạt động với iPod.
“Chúng ta cần đảm bảo rằng khi Musicmatch được ra mắt, nhạc được download từ kho nhạc này không thể sử dụng trên iPod. Đây có phải là một vấn đề”, trich đoạn email nội bộ của Steve Jobs viết cho các giám đốc của Apple.
Bên cạnh các email đã được công khai từ trước, nhiều email nội bộ của Steve Jobs dự kiến lần đầu tiên được công bố tại phiên tòa.
Ngoài email và video lời khai của Steve Jobs, 2 lãnh đạo cao cấp khác của Apple là Philip Schiller và Eddy Cue cũng sẽ phải có mặt tại tòa để làm chứng. Philip Schiller, Phó chủ tịch phụ trách marketing toàn cầu của Apple và Eddy Cue, Phó chủ tịch phụ trách phần mềm và dịch vụ của Apple, cũng từng phụ trách kho nhạc iTunes, nên cũng sẽ có trách nhiệm trước tòa.
Để chống lại những cáo buộc nhằm về mình và tránh án phạt, Apple cần phải chứng mình rằng những nâng cấp trên máy nghe nhạc iPod để ngăn chặn các file nhạc trên Musicmatch là nhằm giới thiệu những cải tiến mới về công nghệ nghe nhạc cho người dùng, chứ không nhằm mục đích hạn chế những gì họ có thể nghe trên iPod.
T.Thủy