Stephen Elop, "ngựa thành Troy" của Microsoft?

(Dân trí) -Việc Microsoft bỏ ra 7,2 tỷ USD để mua lại bộ phận thiết bị và dịch vụ của Nokia, trong đó có cả bộ phận sản xuất điện thoại di động, được xem là bất ngờ với không ít người. Tuy nhiên, với các nhà phân tích thì điều này đã được dự đoán từ trước.

Sau khi đưa ra thông báo sẽ mua lại bộ phận Thiết bị và dịch vụ từ Nokia với giá 7,2 tỷ USD (trong đó 2,2 tỷ USD phí các bản quyền mà Nokia đang sở hữu), Microsoft đã ra công bố chính thức để giải thích cho lý do thực hiện thương vụ của mình.
 
Theo đó, Microsoft tin rằng việc kết hợp sâu hơn giữa các thiết bị, phần mềm và dịch vụ sẽ giúp hãng có thể cạnh tranh hiệu quả hơn với Apple và nền tảng Android của Google trên thị trường smartphone.
 
“Thiết bị hỗ trợ cho dịch vụ và dịch vụ hỗ trợ cho thiết bị”, Microsoft cho biết trong thông cáo của mình. “Gã khổng lồ phần mềm” tin rằng việc kết hợp chặt chẽ giữa thiết bị và các dịch vụ bên trong nó sẽ giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và giúp để “xây dựng một nền tảng người dùng lớn hơn”. 

Microsoft sẽ đầu tư nhiều tiền hơn để Nokia phát triển sản phẩm chạy Windows Phone 8
Microsoft sẽ đầu tư nhiều tiền hơn để Nokia phát triển sản phẩm chạy Windows Phone 8

Mô hình phát triển này tương tự với cách thức mà Apple đang sử dụng cho iPhone và nền tảng iOS của mình. Hiện Microsoft cũng đang áp dụng chiến lược tương tự cho dòng máy tính bảng Surface của hãng, mà trong đó Microsoft vừa đóng vai trò phát triển nền tảng, vừa là nhà sản xuất thiết bị.
 
Microsoft cũng tin chiến lược phát triển này sẽ giúp hãng dễ dàng hơn trong việc đầu tư cho sự phát triển của nền tảng Windows Phone.
 
Trước đây, mỗi khi Nokia bán ra một chiếc smartphone sử dụng nền tảng Windows Phone, Microsoft sẽ nhận được số tiền 10USD “tỷ suất lợi nhuận”. Điều này sẽ gây giới hạn cho Microsoft trong việc khuyến khích đầu tư mạnh hơn vào nền tảng Windows Phone, trong khi các đối tác của Microsoft mới là người được hưởng lợi lớn nhất khi nền tảng này càng phát triển. Tuy nhiên, khi Nokia trở thành một bộ phận của Microsoft thì mọi chuyện sẽ khác.
 
Giờ đây Microsoft sẽ nhận được một “tỷ suất lợi nhuận” tương ứng là 40USD cho mỗi chiếc smartphone của Nokia bán ra, và Microsoft sẽ sử dụng số tiền lợi nhuận này để đầu tư mạnh hơn vào “sáng tạo và tiếp thị” để giúp mở rộng thị phần của nền tảng Windows Phone. 

Tuy nhiên, vấn đề còn lại của Microsoft là sự chấp thuận của chính phủ Phần Lan. Bởi lẽ Nokia được xem là “doanh nghiệp xương sống” và từ lâu là một biểu tượng cho nền công nghiệp Phần Lan, việc bị một công ty nước ngoài như Microsoft mua lại chưa hẳn đã được sự chấp thuận của chính phủ nước này.
 
Về phần mình, Microsoft cho biết hãng không lo lắng về vấn đề kể trên và dự kiến thỏa thuận sẽ hoàn tất vào đầu quý I/2014.
 
“Việc mua lại sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh”, Microsoft lập luận. “Tích hợp phần cứng và phần mềm sẽ giúp Microsoft cung cấp sự lựa chọn thanh thế để cạnh tranh với Google và Apple”. Microsoft khẳng định người dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận đạt được với Nokia, từ chi phí điện thoại thấp hơn và có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.

Thương vụ Microsoft - Nokia không làm giới phân tích bất ngờ

Mặc dù Microsoft công bố thương vụ mua lại bộ phận di động của Nokia khiến nhiều người bất ngờ, tuy nhiên với giới phân tích thì thương vụ này đã từng được dự đoán từ trước.

Steve Ballmer, CEO của Microsoft đã bất ngờ tuyên bố sẽ nghỉ hưu trong vòng 12 tháng tới hoặc tìm được người thay thế tại Microsoft, và có vẻ như, thương vụ với Nokia sẽ là “quả bom tấn” trước khi Ballmer chính thức “về vườn”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vai trò của Stephen Elop trong thương vụ này của Microsoft.

Gia nhập Microsoft từ tháng 1/2008 với vai trò Phó chủ tịch bộ phận Doanh nghiệp, sau đó 3 năm, Stephen Elop chia tay Microsoft và chuyển sang lãnh đạo Nokia. Không quá khó để nhận ra Stephen Elop đã định hướng Nokia đi theo đường thân thiết với Microsoft, khi bất ngờ tuyên bố từ bỏ nền tảng Symbian cũng như nền tảng MeeGo (đang được phát triển để thay thế Symbian) và chuyển sang nền tảng Windows Phone của Microsoft.
Stephen Elop đóng vai trò chủ chốt trong thương vụ Microsoft - Nokia?
Stephen Elop đóng vai trò chủ chốt trong thương vụ Microsoft - Nokia?

Động thái của Stephen Elop khiến nhiều người bất ngờ, bởi lẽ Nokia đã lựa chọn nền tảng Windows Phone còn khá nhỏ bé thay vì lựa chọn một nền tảng Android của Google giàu tiềm năng hơn.

Mặc dù Stephen Elop liên tục trấn an giới đầu tư về lựa chọn của mình và khẳng định Windows Phone sẽ giúp Nokia vượt qua khó khăn (bị Samsung vượt mặt trên thị trường điện thoại di động và vất vả tìm chỗ đứng trên thị trường smartphone) tuy nhiên trên thực tế, Windows Phone đã không giúp ích quá nhiều cho Nokia và hãng điện thoại Phần Lan vẫn liên tục thua lỗ sau khi chuyển sang nền tảng Windows Phone.
 
Mặc dù gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi và Nokia đang dần tìm được chỗ đứng trên thị trường smartphone, tuy nhiên thị phần này vẫn rất nhỏ bé so với Android của Google và iOS của Apple.
 
Sau 3 năm, giá trị cổ phiếu của Nokia đã sụt giảm đến 62% so với thời điểm Stephen Elop lên dẫn dắt công ty, để rồi giờ đây Microsoft thâu tóm bộ phận quan trọng nhất tại Nokia với mức giá 7,2 tỷ USD, một mức giá mà theo nhiều người đánh giá là quá rẻ cho một “tượng đài” như Nokia. 
 
Sau thương vụ này, Stephen Elop sẽ trở lại làm việc tại Microsoft với chức vụ Chủ tịch đứng đầu bộ phận Thiết bị và dịch vụ, chính là bộ phận từ Nokia mà Microsoft mới mua lại và mở toang cánh cửa để tiếp nhận chiếc ghế CEO tại Microsoft và Steve Ballmer sắp để lại. Sau khi thương vụ hoàn tất, cả Steve Ballmer lẫn Stephen Elop đã công bố một bức thư tuyên bố chung giữa 2 người, một động thái như thể thương vụ đã được sẵn sàng từ trước đó.
 
Không ít người cho rằng chính Stephen Elop là “gián điệp” mà Microsoft đã cài vào Nokia, để giúp Microsoft dễ dàng tiếp cận với Nokia, giúp hãng điện thoại Phần Lan suy yếu để giúp Microsoft có thể thâu tóm dễ dàng với mức giá không quá đắt.

Dẫu sao, thương vụ này cũng mang lại những nhất định cho Nokia, khi hãng điện thoại này sẽ tiếp tục nhận được những khoảng đầu tư khổng lồ từ Microsoft để có thể xây dựng những sản phẩm với chất lượng tốt hơn. Vấn đề còn lại là Nokia có thực sự phát huy sức mạnh của mình sau khi đã trở thành một bộ phận của Microsoft? Hay như trường hợp của Motorola và Google trước đây, khi Motorola không thực sự là một thương vụ hiệu quả của “gã khổng lồ tìm kiếm” và trở thành gánh nặng khi liên tục thua lỗ trong những quý gần đây.

Gia nhập Microsoft năm 2008, Stephen Elop từng giữ chức Trưởng bộ phận kinh doanh tại đây cho đến khi sang Nokia làm Giám đốc điều hành năm 2010 và tạo ra mối quan hệ thân thiết giữa Nokia và Microsoft.

Dưới thời Stephen Elop, Nokia tuy có những lúc đứng bên bờ vực thẳm nhưng gần đây hãng điện thoại Phần Lan này cũng đã dần lấy lại được vị thế trên thị trường smartphone với dòng điện thoại Lumia chạy hệ điều hành Windows Phone.

Sự thăng trầm của Nokia khiến nhiều người nghi ngờ rằng, việc Elop sang Nokia là để thăm dò và định giá công ty này đồng thời sẽ dễ bề cho Microsoft thâu tóm khi thời cơ đã chín muồi.

Một điểm đáng lưu ý là giá cổ phiếu của Nokia ở thời điểm Elop đến công ty này so với hiện tại đã giảm đi đến 62% (từ 7,79 Euro/cổ phiếu năm 2010 xuống mức trên dưới 3 Euro/ cổ phiếu ở thời điểm hiện tại).
(Theo Vietnamnet)

Phạm Thế Quang Huy
Dòng sự kiện: Microsoft thâu tóm Nokia