Startup tỷ USD đứng trên bờ vực phá sản, hàng triệu người đòi tiền đặt cọc
(Dân trí) - Bất chấp thời tiết lạnh giá, hàng nghìn người Trung Quốc đã tới trụ sở của Ofo - dịch vụ chia sẻ xe đạp nổi tiếng với giá trị tỷ USD nay đã kề cận phá sản, nhằm đòi tiền hoàn trả sau khi mua ứng dụng.
Bắt đầu từ sáng sớm hôm thứ Hai (17/12), đã có hàng ngàn người đứng xếp hàng chờ đợi trong cái lạnh bên ngoài trụ sở chính của công ty Ofo ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Được biết, những người này có mặt ở đó vì tin rằng mình sẽ được hoàn trả tiền mua ứng dụng trong bối cảnh công ty đứng trên bờ vực phá sản.
Đa số khách hàng yêu cầu hoàn trả món tiền đặt cọc của mình, khoảng 99 Nhân dân tệ (tương đương 334 ngàn đồng) đối với những người đã đăng ký dịch vụ trong những ngày đầu và 199 Nhân dân tệ đối với những người đăng ký sau đó.
Số liệu mới nhất cho thấy hiện có hơn 10,6 tỷ tài khoản đang yêu cầu hoàn lại tiền, nghĩa là hiện tại Ofo còn nợ khách hàng ít nhất 1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,5 nghìn tỷ đồng), nhưng có khả năng sẽ lên tới hơn 2 tỷ Nhân dân tệ do các chi phí phát sinh.
Bất chấp sự việc này, Ofo đã khẳng định rằng họ không có kế hoạch phá sản và sẽ xử lý các yêu cầu hoàn trả theo thứ tự.
Trong nhiều năm qua, loại hình chia sẻ xe đạp (tương tự chia sẻ ô tô của Uber) đã trở thành xu hướng đầu tư "nóng" bậc nhất ở Trung Quốc, kèm theo sự bùng nổ mạnh mẽ. Ofo trở thành một trong những "gã khổng lồ" trong ngành chia sẻ xe đạp, cùng với Mobike. Những chiếc xe đạp màu vàng của họ lan rộng sang nhiều khu vực trên thế giới, như Singapore, Seattle - Mỹ, Sydney - Úc, Cambridge - Anh.
Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên khó khăn khi nhu cầu thật sự của người dân đối với loại xe truyền thống này không cao, trong khi các công ty cung cấp dịch vụ lại bùng nổ ở quy mô và số lượng ngày càng lớn. Điều này khiến Ofo buộc phải rút lui khỏi thị trường quốc tế và cố gắng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong nước.
Tại Trung Quốc, một số đơn vị cung cấp dịch vụ bắt đầu ngừng hoạt động khi bị cơ quan quản lý của chính phủ đàn áp, nhiều hãng cũng đối mặt nguy cơ phá sản, còn khách hàng thì bắt đầu ăn cắp xe đạp, tạo ra cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử.
Đáng nhớ nhất phải kể tới một startup tại tỉnh Trùng Khánh đã bị buộc phá sản sau khi 90% xe đạp của hãng mất tích. Còn văn phòng của Bluegogo - thương hiệu chia sẻ xe đạp nổi tiếng với màu xanh đặc trưng, thì đã bị bỏ hoang từ tháng 11 năm ngoái.
Nguyễn Nguyễn