Số hóa truyền hình: Khó khăn nhưng sẽ thực hiện đúng lộ trình
(Dân trí) - Mặc dù lùi thời điểm ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất đối với 4 thành phố lớn nhưng ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện khẳng định: Kết quả bước đầu thực hiện đề án số hóa truyền hình rất khả quan nên việc lùi thời điểm sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình.
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan chia sẻ: Đề án số hóa truyền hình hiện nay mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tên đầy đủ là Đề án phát số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất nhưng nội hàm của nó là đề án thực hiện bước chuyển đổi từ phát sóng truyền hình tương tự sang phát sóng truyền hình số chứ không phải bao gồm toàn bộ quá trình số hóa truyền hình.
Với truyền hình thì chúng ta đã có số hóa ở khâu sản xuất chương trình, tiền kỳ, hậu kỳ, số hóa ở khâu truyền dẫn và hiện nay thì chuyển đổi từ việc phát sóng bằng kỹ thuật tương tự sang phát sóng bằng kỹ thuật số. Tác động của nó không phải chỉ thuần túy là tác động kỹ thuật mà nó tác động trên tất cả phương diện tổ chức, hệ thống, đầu tư và tác động quan trọng nhất là đến người thu xem. Một trong những mục tiêu của đề án là sắp xếp lại các hệ thống phát thanh, truyền hình.
Trước đây chúng ta chỉ dùng một kênh tương tự thì chỉ phát được một chương trình truyền hình cho nên việc phát sóng ở các chương trình địa phương chỉ có thể hạn chế trong địa phương của mình. Khi chuyển sang kỹ thuật số thì một kênh tần số có thể phát được rất nhiều kênh truyền hình. Nếu là chuẩn SD thì có thể phát đến 20 kênh truyền hình. Tuy nhiên địa phương cũng không thể có một kênh tần số riêng để phát chương trình truyền hình số được mà nó phải phát chung trên một kênh cho một khu vực. Chính vì thế nó đòi hỏi phải sắp xếp lại đài truyền hình, phát thanh truyền hình địa phương.
Thưa Cục trưởng, dựa trên cơ sở nào mà chúng ta đánh giá việc thực hiện đề án số hóa truyền hình bước đầu rất khả quan?
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: Sở dĩ chúng tôi đánh giá bước đầu thực hiện đề án số hóa truyền hình rất khả quan là dựa vào nhiều khía cạnh. Thứ nhất, nói về truyền dẫn và phát sóng thì tất cả 5 thành phố trực thuộc trung ương và địa bàn phụ cận đều được phủ sóng truyền hình số, hệ thống kỹ thuật truyền hình số tại các địa bàn này hoàn toàn đủ điều kiện và sẵn sàng cho việc ngừng phát sóng truyền hình analog. Đây là bước rất là quan trọng trong việc thiết lập hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình số.
Chúng ta tiếp tục hình thành các công ty truyền dẫn phát sóng khu vực để cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các đài phát thanh truyền hình địa phương theo đúng định hướng quy hoạch và bước đầu tạo thành một thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình. Thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình (điều này, trước đây chúng ta chưa thực hiện được đối với truyền hình tương tự mặt đất). Nhờ đó, nhiều kênh truyền hình mới đã được quảng bá rộng rãi, mức độ hưởng thụ về truyền hình của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Chẳng hạn như ở Đồng bằng sông Hồng thì có công ty RTB, Đồng bằng sông Cửu long có công ty SDTV. Riêng ở Đà Nẵng thì chưa có công ty cung cấp dịch vụ khu vực đó nên Ban chỉ đạo số hóa đã quyết định đề nghị VTV phát trên kênh phát sóng tần số của họ.
Thị trường thiết bị thu DVB-T2 đã có sự phát triển vượt bậc với 617 mẫu tivi, 46 mẫu set-top box đã công bố hợp quy. Các thiết bị này ngày càng rẻ, phù hợp với khả năng mua sắm của nhân dân.
Đối với các đài phát thanh truyền hình, số hóa truyền hình đã mở ra giai đoạn phát triển mới, nhờ có truyền hình số mặt đất, việc quảng bá các kênh truyền hình được mở rộng hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Các đài có điều kiện để tập trung vào phát triển khâu sản xuất, nâng cao chất lượng chương trình.
Vậy khó khăn lớn nhất trong việc triển khai số hóa truyền hình hiện nay là gì?
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: Khó khăn hiện nay trong thực hiện số hóa truyền hình đó chính là nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về tác động của số hóa. Nhiều người chưa hiểu hết được việc ngoài 4 thành phố trực thuộc trung ương còn các địa bàn thuộc 19 tỉnh lân cận bị tác động theo giai đoạn 1 của Đề án số hóa.
Công tác tuyên truyền ở nhiều địa phương chưa thực sự được quan tâm, chưa hiệu quả; nguồn lực dành cho công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, tiêu chí về chuẩn nghèo đa chiều mới ban hành có thể dẫn đến số hộ cần hỗ trợ set-top box tăng lên đáng kể, dẫn đến có thể cần bổ sung thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các giai đoạn tiếp theo.
Cuối năm 2015, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên đã tắt hoàn toàn việc phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất. Đây là địa phương thực hiện số hóa truyền hình trước khi Đề án được phê duyệt. Kinh nghiệm của Đà Nẵng sẽ giúp ích gì cho Đề án?
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: Ngày 01/11/2015 vừa qua, có thể coi là dấu mốc rất quan trọng trong lộ trình triển khai số hóa truyền hình mặt đất của Việt Nam, đó là: Thành phố Đà Nẵng đã tắt hoàn toàn việc phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất, chuyển sang phát sóng số. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên trong khu vực Asean làm được việc này. Thành công này tạo tiền đề thuận lợi và nhiều kinh nghiệm quý để triển khai số hóa truyền hình mặt đất các giai đoạn tiếp theo.
Một trong những giải pháp mà Đà Nẵng thực hiện đó là “tắt mềm”, nghĩa là tắt thử một số kênh không thiết yếu hoặc mức độ thiết yếu hạn chế hơn; các chương trình không phù hợp với định hướng quy hoạch…Khi chúng ta tắt các chương trình này thì những người dân vẫn quan tâm đến chương trình đó mà không thuộc diện phải hỗ trợ thì ngay lập tức người ta đi mua đầu thu. Ở Đà Nẵng có chuyện, một thời gian dài thị trường đầu thu rất đa dạng mà ít người dân mua, nhưng sau một tuần “tắt mềm” thì 25.000 đầu thu đã được mua.
Ở 4 thành phố trung ương thực hiên giai đoạn 1 thì vẫn phải thực hiện theo kinh nghiệm của Đà Nẵng. Nghĩa là chúng ta không phải tắt ngay một lúc các kênh truyền hình mà trước tiên tắt một số kênh truyền hình không thuộc diện thiết yếu, không phù hợp với định hướng quy hoạch trước. Đây là một động tác kích thích mạnh đối với những hộ, những gia đình không thuộc diện hỗ trợ mà chưa thực hiện chuyển đổi.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng – Xuân Ngọc