Smartphone quá giống nhau, nhà sản xuất đang đuối ý tưởng?
(Dân trí) - Những mẫu smartphone cao cấp được các hãng chú trọng và tạo ra các điểm khác biệt so với đối thủ nhưng ở smartphone trung cấp hiện nay, hầu như đều đang giống nhau, từ ngoại hình cho đến cả tính năng. Đôi khi nhìn qua hai sản phẩm khác thương hiệu nhưng cứ ngỡ rằng đó là một. Phải chăng các nhà sản xuất đã "cạn" ý tưởng thiết kế?
Ít đầu tư vì lựa chọn phương án an toàn
Hiện nay, các nhà sản xuất smartphone trên thế giới đều sử dụng 3 chất liệu chính để tạo vỏ máy là kính, kim loại và nhựa bolycarbonat. Trong đó, phân khúc tầm trung chủ yếu là kim loại và nhựa chiếm chủ yếu trong hầu hết các thiết kế. Rất ít nơi sử dụng vỏ kính, chẳng hạn như mẫu Galaxy A5 2017 đến từ Samsung.
Điều này cũng dễ hiểu bởi ở phân khúc tầm trung hiện nay tại Việt Nam đều đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Nếu người dùng thử cầm trên tay mẫu Oppo F3 mới nhất hoặc mẫu Vivo V5s sẽ không thấy bất cứ quá nhiều thay đổi. Nếu đặt chúng trên một mặt phẳng, nhìn vào màn hình trước thì khó để phân biệt đâu là F3 và đâu là Vivo V5s.
Thử đặt một mẫu sản phẩm Vivo V5s với Meizu MX6, thiết kế của hai sản phẩm này còn gần tương đồng nếu che đi camera mặt sau. Thậm chí đặt một sản phẩm F3 lẫn Vivo 5s với Galaxy C9 Pro cùng một mặt phẳng, che logo Samsung đi cũng khó lòng mà nhận biết được sự khác biệt của những dòng sản phẩm này.
Đối với các dòng sản phẩm tầm trung khác, như GR5 2017 của Huawei hay các sản phẩm đến từ Nhật của Sony, hầu như sự cải tiến so với dòng sản phẩm trước đó chẳng là bao và có thể nói rằng, không có bất cứ sự đột phá nào. Phải chăng thiết kế của khung kim loại, nhựa dường nhưa đã bão hòa.
Nhìn vào những dòng sản phẩm tầm trung hiện nay, ông Mai Triều Nguyên, giám đốc điều hành Mai Nguyên Luxury cho rằng, các hãng đã thật sự đuối ý tưởng trong thiết kế và có thể nói rằng thiết kế vỏ kim loại dường như đã bão hòa. Nhiều hãng đến từ Trung Quốc ít đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển. Do đó, chúng ta sẽ thấy các sản phẩm này cứ "na ná" nhau, khác biệt chỉ rất ít.
Tương tự, anh Trần Mạnh Hiệp, điều hành diễn đàn Tinh Tế cũng cho rằng, hầu hết các sản phẩm tầm trung của các hãng đều không còn đầu tư mạnh vào nghiên cứu bởi vẫn đang bán được hàng. Anh Hiệp cho rằng dường như các hãng đang cùng chung tính toán, rằng chỉ nên dùng số tiền đó để đầu tư vào marketing hiệu quả hơn là dành cho bộ phận thiết kế.
Ông Nguyễn Đạt, điều hành hệ thống Di Động Việt cũng cho rằng, thiết kế phiên bản cũ đang bán khá tốt thì phương án an toàn của các nhà sản xuất là chỉ cần nâng cấp đơn giản để bán hàng thay vì phải thay đổi lớn. "Chưa chắc sự thay đổi đó có khiến lượng sản phẩm bán tốt hay không và minh chứng là doanh số vẫn rất cao dù chỉ có những nâng cấp nhỏ".
Hãy đặt lợi ích người dùng lên hàng đầu!
Đứng ở góc độ doanh thu có thể lý giải được vì sao các nhà sản xuất ngần ngại trong việc thay đổi thiết kế. Chẳng hạn như mẫu Oppo F1s, chỉ là phiên bản rút gọn của mẫu F1 Plus năm ngoái, hãng di động Trung Quốc đã thay đổi chút ở mặt lưng nhưng tạo được doanh số khủng cho hãng này.
Theo thống kê của Oppo, hãng này bán mẫu F1s ra thị trường từ tháng 8/2016 với doanh số ghi nhận là 395.000 máy, tính đến hết tháng 10/2016.
Theo số liệu từ GFK, tính đến hết tháng 11 năm 2016, Oppo cũng chiếm vị trí thứ 2 với 22% thị phần với doanh số đến từ các dòng smartphone tầm trung.
Một đối trọng khác đó là Samsung, trong năm qua hãng cũng tung ra mẫu Galaxy J7 Prime, một phiên bản nâng cấp của J7. Hầu như thiết kế vẫn không có nhiều khác biệt nhưng hãng này "mạnh tay" khi đưa vào lớp vỏ kim loại và nâng cấp thêm cảm biến vân tay. Tính tới thời điểm này, J7 Prime đã đạt doanh số khủng với 1 triệu máy đã bán ra thị trường. Số liệu từ GFK đến hết năm 2016, thị phần của Samsung tiếp tục giữ vững ở vị trí đầu, tăng lên đến 36,7 % thị phần.
Ở chiều hướng ngược lại, cái tên Asus đã được nhắc đến rất nhiều trên thị trường di động trong năm 2015. Sau khi gây ấn tượng mạnh với dòng sản phẩm Zenfone 4, Zenfone 2 với giá cực tốt và ngay lập tức cháy hàng mỗi khi lên kệ. Tuy nhiên, trong năm 2016, hãng này bất ngờ tái định vị thương hiệu, thay đổi đáng kể trong thiết kế lẫn cấu hình và nâng mức giá bán lên cao. Cả ba sản phẩm lần ra mắt năm 2016 của Asus đều được định vị ở phân khúc tầm trung, thậm chí có thể nói là cận cao cấp trở lên. Mức giá thấp nhất là 7,9 triệu đồng trong khi mức giá cao nhất là 18,5 triệu đồng. Chính những sự thay đổi này đã khiến cho Asus dần hụt hơi trên thị trường và dần đánh mất thị phần của mình tại Việt Nam.
Một nhà bán lẻ lớn từng nói, việc thay đổi chiến lược của hãng, ít nhiều cũng sẽ mất đi một phân khúc khách hàng trọng tâm, những khách hàng đang mua và sử dụng các sản phẩm cấu hình mạnh với mức giá phải chăng. Việc giữ được thị phần và khách hàng đang nắm giữ đã khó như vậy thì việc tái định vị thương hiệu còn gian truân gấp nhiều lần. Để đạt được điều này, việc thay đổi lớn sẽ phải làm rất nhiều và rất nhiều trong các kế hoạch marketing của mình, tiêu tốn thêm rất nhiều để hòng chiếm lấy được tình cảm của khách hàng.
Theo thống kê của IDC quý II/2015, Asus là leo lên vị trí thứ 2 về doanh số smartphone bán ra tại Việt Nam. Họ đã có bức phá mạnh mẽ khi thị phần tăng 14% từ con số 3% của quý trước đó. Nhưng đến quý IV/2016 vừa qua, hãng này chỉ còn lại 2,4% thị phần, mất hơn 11,6% đã giành trong năm 2015.
Qua đây có thể thấy, không phải chỉ vì các hãng đuối trong thiết kế nhưng hầu hết các hãng Trung Quốc lẫn các hãng lớn đang lựa chọn cho mình phương án an toàn. Chỉ những nâng cấp đơn giản trong thiết kế của smartphone tầm trung, cải tiến chút cấu hình và tính năng nhưng không nâng quá giá bán sản phẩm lên đủ để máy dễ dàng đến tay người dùng và đạt doanh số tốt. Thay vì sự thay đổi lớn, tiêu tốn chi phí marketing để quảng bá điểm đổi mới, kéo theo giá thành lên cao và dần đẩy người tiêu dùng ra xa hơn với họ. Các hãng này tập trung vào các chiêu trò Marketing, ít thay đổi để bán hàng hiệu quả hơn và đã có nhiều minh chứng rõ nét trong vài năm trở lại đây tại Việt Nam.
Như vậy, sự lựa chọn quá an toàn của các nhà sản xuất đã đẩy thiệt thòi lớn về cho người dùng. Người dùng đã bỏ tiền ra để mua sản phẩm được gọi là nâng cấp nhưng thực ra họ phải trả thêm quá nhiều cho chi phí marketing của hãng trong khi thứ mà họ phải nhận được đó là những sự đổi mới, chất xám được đầu tư vào thiết kế lẫn tính năng mà smartphone có thể mang lại. Cho nên, hãy đặt lợi ích của người dùng lên đầu, hãy đưa đến cho họ những thứ đáng ra họ phải nhận được thay vì những mánh khóe marketing tiêu tốn quá nhiều tiền của.
Gia Hưng