Sẽ thành lập Vụ Công nghiệp Điện tử Viễn thông để đẩy mạnh sản xuất thiết bị "made in Việt Nam"
(Dân trí) - Bộ TT&TT sẽ thành lập Vụ Công nghiệp Điện tử Viễn thông với nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới made in Việt Nam đẩy mạnh ngành công nghiệp điện tử, trong đó có công nghiệp quốc phòng và phát triển IoT.
Tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước tháng 7 năm 2018, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết để phát triển mảng Công nghiệp điện tử Viễn thông, sắp tới, Bộ TT&TT sẽ thành lập Vụ Công nghiệp Điện tử Viễn thông.
Quyền Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Viettel từ nay tổ chức đấu thầu thiết bị viễn thông tại thị trường Việt Nam cũng như các thị trường quốc tế phải mời VNPT tham gia đấu thầu. VNPT, Viettel – hai doanh nghiệp đã sản xuất được các thiết bị viễn thông, CNTT cần cung cấp cho các nhà mạng còn lại dùng thử. Nếu chất lượng và giá cả tương đương phải ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước. MobiFone cần đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua việc thành lập Viện nghiên cứu phát triển và sản xuất.
Cũng tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã làm rõ những lĩnh vực hoạt động của Ngành. Theo đó, các lĩnh vực này được chia thành hai mảng: mảng Công nghệ và mảng Tuyên truyền. Trong đó mảng Công nghệ được chia thành ba nhóm: Bưu chính Viễn thông, Công nghệ thông tin và Công nghiệp Điện tử Viễn thông.
Theo Quyền Bộ trường, mảng Tuyên truyền góp phần tạo sự ổn định xã hội ,tạo niềm tin cho người dân, cho xã hội, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển. Mảng công nghệ sẽ giúp Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu.
Quyền Bộ trưởng khẳng định, Bộ TT&TT là Bộ công nghệ, Bộ đi đầu, làm nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng, vai trò hạt nhân đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, theo kịp thời đại; Bộ TT&TT là Bộ chuyển đổi số, giúp đất nước dùng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có đánh giá cán bộ, giải quyết vấn đề tham nhũng...
Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh: Bưu chính đang phát triển nhanh chóng, với tốc độ cao, sẽ là hạ tầng quan trọng cho thương mại điện tử và logistic. Về Viễn thông, tài nguyên lớn nhất là cơ sở dữ liệu; phải quy hoạch lại và cho các doanh nghiệp thử nghiệm ngay 5G; Về CNTT, phải coi chuyển đổi số là ưu tiên số 1.
Ngoài ra, trong lĩnh vực viễn thông, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo cần phải cấp tần số ngay trong quý III để các doanh nghiệp triển khai 4G. Riêng đối với 5G, cần phải quy hoạch và cho phép doanh nghiệp thử nghiệm ngay.
Đối với các kiến nghị về những khó khăn khi phải ngừng thanh toán thẻ cào viễn thông cho các dịch vụ số đến từ Viettel ,VNPT, Mobifone, VTC, Quyền Bộ trưởng ghi nhận khó khăn để đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đối với các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nội dung số khi phải dừng thanh toán thẻ cào online. Theo báo cáo của các doanh nghiệp tại Hội nghị, MobiFone chịu ảnh hưởng nặng nhất trong ba nhà mạng viễn thông, mất 10% doanh thu, 5% lợi nhuận. VTC, đơn vị chủ yếu cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông thì bị ảnh hưởng đến 40% doanh thu.
Ngay trong tuần tới, Bộ sẽ gỡ vướng cho các doanh nghiệp với việc ban hành văn bản chính thức của Bộ về việc doanh nghiệp có thể tiếp tục triển khai thanh toán thẻ cào online.
Gia Linh