Sẽ phạt nhà mạng 1 triệu đồng/1 thuê bao nếu thông tin thuê bao sai quy định

Để siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước, Bộ TT&TT đang sửa đổi quy định tăng mức phạt đối với các nhà mạng với mức “khủng” nhất là 1 triệu đồng/1 thuê bao nếu thông tin thuê bao sai quy định.

Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện đang đưa ra các biện pháp mạnh để quản lý chặt thuê bao di động trả trước. Theo bản dự thảo thì Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2017.

Tinh thần của dự thảo này sẽ siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý và tăng hình thức xử phạt đối với tất cả các bên vi phạm. Nếu như trước đây, việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước được thực hiện ở các đại lý, điểm bán thì dự thảo đã quy định rõ việc giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của nhà mạng và các điểm lưu động do nhà mạng thiết lập hoặc tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do tổ chức thiết lập, nhưng được nhà mạng ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung cung cấp dịch vụ viễn thông.

Dự thảo cũng quy định SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và sau khi đã hoàn thành việc nhập và lưu giữ thông tin thuê bao theo quy định. Việc kích hoạt SIM chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp viễn thông di động và sau khi đã hoàn thành việc cập nhật thông tin thuê bao của các cá nhân, tổ chức từ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vào cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp.

Quy định này khá chặt chẽ để tránh trường hợp các đại lý, điểm bán kích hoạt SIM tràn lan rồi bán ra ngoài mà nhà mạng vô can.

Một trong điểm mới của dự thảo là đưa ra thêm các hình thức xử phạt rất nặng nếu nhà mạng sai phạm. Theo đó, nhà mạng sẽ bị phạt tiền 1 triệu đồng trên mỗi số thuê bao nếu cung cấp dịch vụ cho chủ thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định. Đây là quy định được cho là có sức nặng mang tính răn đe đối với các nhà mạng nếu để thuê bao kích hoạt mà có thông tin "ma". Ước tính hiện nay có hàng triệu SIM đang có thông tin thuê bao không chính xác. Sau khi nghị định này có hiệu lực mà nhà mạng vẫn tiếp tục kích hoạt cho thuê bao có thông tin thuê bao không chính xác thì sẽ bị tính theo từng thuê bao sai phạm nên hình thức phạt sẽ là số tiền không nhỏ.

Dự thảo còn quy định sẽ buộc nhà mạng phải nộp lại tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM đối với các thuê bao được giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung sau ngày nghị định này có hiệu lực và vi phạm quy định. Trong trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền nhà mạng phải nộp lại được áp dụng theo công thức: 100.000 đồng nhân với số tháng vi phạm của thuê bao. Dự thảo còn buộc nhà mạng phải nộp lại tổng số tiền đã được nạp sau ngày 1/10/2017 vào tài khoản chính của SIM đối với các thuê bao được cung cấp dịch vụ từ trước ngày nghị định này có hiệu lực và vi phạm quy định về quản lý thuê bao trả trước. Trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền phải nộp lại được áp dụng theo công thức: 100.000 đồng nhân với số tháng vi phạm.

Trước đó, ngày 28/10/2016, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và GTel đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Theo Bộ TT&TT, hiện mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ SIM rác - là những thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác. Nhiều đối tượng dễ dàng mua SIM rác để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố…

“Đây chính là lý do mà Chính phủ và Bộ TT&TT quyết tâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Một trong những biện pháp quan trọng cần phải thực hiện ngay là thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.”, đại diện Bộ TT&TT cho hay.

Khi cùng ký vào bản cam kết với Bộ TT&TT, 5 doanh nghiệp viễn thông di động đã thể hiện sự nhất trí, đồng thuận cao trong việc thực hiện triệt để hơn, hiệu quả hơn các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ triển khai một số biện pháp tăng cường để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước và Thông tư 14/2012/TT-BTTTT, thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn và xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm. Thời gian bắt đầu áp dụng cam kết là ngày 1/11/2016.

Theo Thái Khang

ICTNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm